Tương lai mờ mịt của nền kinh tế Afghanistan

Đăng bởi Nu Online
Thứ Wed,
18/08/2021

Và những biến động trong nước hiện tại có thể sẽ khiến triển vọng kinh tế của quốc gia này thêm ảm đạm.

Người Afghanistan chờ được trở về nhà ở Kabul, sau một thời gian dài tị nạn tránh xung đột tại Peshawar, Pakistan. Ảnh: AFP/TTXVN

Một nền kinh tế 'xiêu vẹo'

Dù nhận được hàng tỷ USD viện trợ từ quốc tế trong hai thập niên qua, nền kinh tế Afghanistan vẫn còn quá nhiều bất ổn.

Phần lớn số tiền viện trợ nước ngoài đó được đổ vào việc đào tạo cảnh sát và quân đội Afghanistan. Trong khi đó, khoản chi dành cho các sáng kiến như cải thiện cơ sở hạ tầng – vốn sẽ thúc đẩy tăng trưởng dài hạn hơn – lại không lớn.

Điều đó không có nghĩa nền kinh tế Afghanistan không có một số cải thiện từ sự hỗ trợ của quốc tế.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Afghanistan tăng từ 4,055 tỷ USD hồi năm 2002 lên 20,561 tỷ USD vào năm 2013.

Nhưng tốc độ tăng trưởng chậm lại đáng kể từ năm 2014. Tăng trưởng GDP của Afghanistan giảm từ khoảng 14% hồi năm 2012 xuống còn 1,5% vào năm 2015.

Nền kinh tế ghi nhận một giai đoạn phục hồi từ năm 2016 trở đi, nhưng rồi lại suy thoái vào năm ngoái do sự bùng phát của dịch Covid-19 và gia tăng bất ổn trong nước làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu.

Tính đến năm 2020, quy mô nền kinh tế Afghanistan chỉ đứng ở mức 19,807 tỷ USD.

Đất nước Trung Đông này vẫn nằm trong số những nước nghèo nhất trên thế giới. Số liệu mới nhất của WB cho thấy chỉ có sáu quốc gia trên toàn thế giới - trong đó có Burundi, Somalia và Sierra Leone - có GDP bình quân đầu người thấp hơn mức 508,8 USD của Afghanistan.

Trong khi đó, chi tiêu cho an ninh ở nước này ở mức cao, tương đương khoảng 28% GDP vào năm 2019. Con số này vượt xa nhiều quốc gia có thu nhập thấp khác - có khoản chi trung bình chỉ khoảng tương đương 3% GDP.

Nhìn chung, nông nghiệp chiếm khoảng một nửa hoạt động kinh tế ở Afghanistan, đồng thời đóng góp 50% tổng số việc làm ở quốc gia này.

Lúa mì là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Afghanistan, dù trong những năm gần đây có sự đa dạng hóa sang các loại cây trồng có giá trị hơn như hạt óc chó, hạnh nhân, hạt dẻ cười, nghệ tây, lựu và nho khô.

Song một điều đáng lo ngại là cây thuốc phiện vẫn được trồng nhiều tại Afghanistan và việc buôn bán thuốc phiện được cho là một nguồn thu lớn của nước này (ước tính tương đương 20% GDP).

Trong khi đó, tình trạng thiếu đầu tư vào các kho lạnh và cơ sở đóng gói kìm hãm khả năng tăng giá trị xuất khẩu trái cây và rau quả của Afghanistan.

Một số thống kê cho hay ít nhất 1/4 sản phẩm nông nghiệp của nước này bị suy giảm chất lượng sau khi thu hoạch đến mức không thể bán được.

Hoạt động kinh tế tư nhân hạn chế

Khu vực kinh tế tư nhân của Afghanistan khá hạn chế khi có tới 44% lực lượng lao động của Afghanistan làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp (theo số liệu từ WB).

Sự phát triển của khu vực tư nhân trong nước bị hạn chế bởi nhiều yếu tố, bao gồm tình trạng mất an ninh, bất ổn chính trị, thể chế yếu kém, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, tham nhũng tràn lan và môi trường kinh doanh khó khăn.

Trong báo cáo về môi trường kinh doanh năm 2020, WB xếp Afghanistan ở vị trí thứ 173 trong số 190 quốc gia được khảo sát.

Sau nông nghiệp, nguồn thu nhập chính của Afghanistan đến từ viện trợ nước ngoài, vốn đóng góp khoảng 3/4 chi tiêu của chính phủ quốc gia Trung Đông này.

Các khoản này giảm trong những năm gần đây và có thể sẽ gần như hoàn toàn cạn kiệt khi lực lượng Taliban giữ quyền kiểm soát chính quyền.

Tuy vậy, những yếu tố bất lợi trên không có nghĩa là Afghanistan hoàn toàn không có bất cứ cơ hội phát triển kinh tế nào.

Afghanistan rất giàu tài nguyên khoáng sản bao gồm vàng, đồng, quặng sắt, cùng lithium và coban - hai thành phần quan trọng để sản xuất pin xe điện.

Cách đây một thập niên, lượng khoáng sản tại Afghanistan được ước tính có tổng trị giá vào khoảng 1.000 tỷ USD.

Trong một tài liệu nội bộ năm 2010, Lầu Năm Góc đánh giá Afghanistan có tiềm năng trở thành một trung tâm lớn chuyên về lithium.

Thật không may, khả năng khai thác những nguồn tài nguyên đó của Afghanistan bị hạn chế do thiếu cơ sở hạ tầng giao thông, lưới điện và chuyên môn kỹ thuật.

Từ trước khi xảy ra biến động trong nước, có rất ít kỹ sư chuyên về khai khoáng đặt chân đến đất nước này.

Ngay cả China Metallurgical Group, bên sở hữu quyền khai thác một trong những mỏ đồng lớn nhất Afghanistan kể từ năm 2007, cũng không thể hoạt động mạnh tại đây do lo ngại về vấn đề an ninh.

Bên cạnh đó, sự giàu có về khoáng sản này cũng không giúp ích gì nhiều cho Afghanistan. Phần lớn hoạt động khai khoáng trong nước là bất hợp pháp và hạn chế bớt nguồn thu vốn ít ỏi của chính phủ nước này.

Hiệu ứng 'dầu loang' đối với các nước láng giếng

Tình hình bất ổn tại Afghanistan không ảnh hưởng tới nền kinh tế nước này mà còn dấn tới những tác động to lớn đối với các quốc gia láng giềng.

Trong số này, Pakistan dự kiến chịu ảnh hưởng nhiều nhất, khi nước này vốn đã nhận gần 1,5 triệu người Afghanistan tị nạn và con số đó có thể tăng thêm hàng triệu người nữa khi họ tìm cách rời khỏi quê hương.

Các nước láng giềng của Afghanistan ở phía Bắc, bao gồm cả Uzbekistan và Turkmenistan cũng có những quan ngại tương tự.

Thêm vào đó là nguy cơ một số dự án do chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani (rời khỏi Afghanistan vào tối 15/8) lên kế hoạch hợp tác với các nước láng giềng không thành hiện thực.

Đáng chú ý trong số này là một tuyến đường sắt chạy qua thủ đô Kabul, nối thành phố Mazer-i-Sharif đặt gần biên giới Uzbekistan với thành phố Peshawar của Pakistan.

Dự án này được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích to lớn không chỉ cho Afghanistan, mà còn cho các nước láng giềng về khả năng chuyển đổi thương mại và giảm chi phí của việc giao thương xuyên biên giới.

Nhưng hiện giờ, tương lai của dự án đang rất mờ mịt. Tương tự như triển vọng vốn đã không mấy chắc chắn của nền kinh tế Afghanistan từ trước những bất ổn trong nước hiện thời.

zalo chat 0989.530.530 zalo chat 0989.22.34.22
popup

Số lượng:

Tổng tiền: