Kể chuyện nghệ nhân làm đôi dép cao su Bác Hồ

Đăng bởi Phương Như
Thứ Sat,
20/03/2021

Kể chuyện nghệ nhân làm đôi dép cao su Bác Hồ

Từ lâu đôi dép cao su đã trở thành biểu tượng của ý chí, sự kiên gan của những chiến sỹ trong hai cuộc chiến gian khổ giành độc lập cho dân tộc. Lịch sử câu chuyện dép cao su một lần nữa được kể lại dưới bàn tay nghệ nhân Phạm Quang Xuân, người hơn 50 năm gắn bó với việc tái tạo đôi dép huyền thoại. Ít người biết rằng, người thợ làm ra đôi dép cao su Bác Hồ hiện được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh đến giờ đã gần 80 tuổi và hàng ngày vẫn tiếp tục làm ra những đôi dép cao su mới.

Đôi dép cao su của Bác Hồ được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: V.H
Đôi dép cao su của Bác Hồ được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: V.H

Ông Phạm Quang Xuân kể lại: “Tôi làm dép lốp từ lâu rồi, khoảng 50 năm rồi, theo nghề truyền thống của gia đình, sau đó làm cho Công ty Bách hóa Hà Nội từ năm 1968”.

Năm 1970, ông và bốn người thợ tay nghề cao nhất trong xưởng sản xuất dép được lãnh đạo công ty gọi lên, giao cho làm 10 đôi dép cao su để lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh theo mẫu là một đôi dép cao su sờn cũ mà Bác Hồ từng dùng lúc sinh thời. Hiện nay, đôi dép này vẫn đang được trưng bày tại Bảo tàng.

Trải qua một thời gian dài, thay đổi nhiều công việc khác nhau, đến năm 1995, ông Xuân quyết định trở lại làm dép lốp vì “đây là công việc phù hợp và yêu thích nhất”.

Ở tuổi 77, hàng ngày, ông Xuân vẫn làm ra những đôi dép cao su mới. Ảnh: V.H
Ở tuổi 77, hàng ngày, ông Xuân vẫn làm ra những đôi dép cao su mới. Ảnh: V.H

Dép cao su còn được gọi bằng cái tên thông dụng là “dép lốp”. Đơn giản vì lốp xe là nguyên liệu chính tạo nên loại sản phẩm này. Ông Xuân cho biết, trước đây nguồn nguyên liệu rất hạn chế, nguồn lốp cũ nhập từ Hồng Công cũng không có nhiều. Do tình trạng “có gì dùng nấy” nên những đôi dép ngày ấy làm ra cũng không đẹp như bây giờ.

Hiện nay thì nguồn nguyên liệu khá dồi dào, chủ yếu lấy từ nguồn lốp thải loại của các xe tải chở than chuyên dụng vùng Quảng Ninh. Loại lốp này dù hết giá trị sử dụng với xe tải nhưng với người thợ làm dép thì quý vô cùng. Bởi lẽ, loại lốp này có chất lượng tốt, “cùi” dầy và dễ chế tác thành nhiều kiểu dáng khác nhau.

Lốp xe tải chuyên dụng chở than ở Quảng Ninh là nguồn nguyên liệu chính để làm dép. Ảnh: V.H
Lốp xe tải chuyên dụng chở than ở Quảng Ninh là nguồn nguyên liệu chính để làm dép. Ảnh: V.H

Hiện tại, ông Xuân cũng có truyền nghề làm dép cho nhiều bạn trẻ, tuy nhiên để đạt trình độ như ông thì có lẽ còn cần thêm tính kiên nhẫn và kinh nghiệm từ thời gian làm việc liên tục.

Trong số những người học trò của ông, có lẽ người thành công nhất phải kể đến là…anh con rể Nguyễn Tiến Cường. Là kỹ sư công nghệ thông tin, anh đã bỏ nghề để tiếp nối nghề làm dép cao su, mở rộng nguồn cung nguyên liệu, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm để phù hợp hơn với thị hiếu hiện đại.

Để làm ra một đôi dép cao su cần khoảng 70 loại dụng cụ khác nhau. Riêng đá mài dao đã có khoảng 30 loại. Ảnh: V.H
Để làm ra một đôi dép cao su cần khoảng 70 loại dụng cụ khác nhau. Riêng đá mài dao đã có khoảng 30 loại. Ảnh: V.H

Anh Cường cho biết, với các mẫu mã hiện đại thì dễ thiết kế vì là sáng tạo mới, nhưng đối với các mẫu truyền thống thì lại khó làm hơn nhiều. Anh đã từng phải xem hàng nghìn bức ảnh tư liệu để biết được mỗi thời kì dép lốp cao su cũng có những thăng trầm về kiểu dáng khác nhau.

Một đôi dép cao su kiểu Khe Sanh thành phầm. Ảnh: V.H
Một đôi dép cao su kiểu Khe Sanh thành phầm. Ảnh: V.H

Ví dụ, đôi dép bộ đội ta dùng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 có thiết kế 4 quai đơn giản, nhưng đến Chiến dịch Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì đôi dép cao su được bộ đội dùng lại có 5 quai; Những đôi dép trong trận Khe Sanh lại có một kiểu dáng riêng…

Công việc làm dép cao su đòi hỏi cả sức khỏe lẫn tính khéo léo. Ảnh: V.H
Công việc làm dép cao su đòi hỏi cả sức khỏe lẫn tính khéo léo. Ảnh: V.H

Hiện nay, dép cao su được ông Phạm Quang Xuân làm ra đã có đến vài chục mẫu mã khác nhau, thu hút nhiều lứa tuổi khác nhau, kể cả các bạn trẻ. Từ vài năm nay, các mẫu dép sản xuất ra đều được khắc bản đồ Việt Nam, có đầy đủ cả hai quần đảo lớn, ông Xuân bảo: “Dép này người Tây mua cũng nhiều lắm, khắc như vậy để họ biết đây là dép Việt Nam”.

https://kiemsat.vn/ke-chuyen-nghe-nhan-lam-doi-dep-cao-su-bac-ho-47449.html
zalo chat 0989.530.530 zalo chat 0989.22.34.22
popup

Số lượng:

Tổng tiền: