-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tản mạn về một thời dép lốp Hà Nội
Đăng bởi Admin vuadeplop
Thứ Mon,
21/12/2020
Tản mạn về một thời dép lốp Hà Nội
QĐND - Thứ bảy, 06/09/2014 | 21:29 GMT+7
QĐND - Trung thu về, mỗi lần đi ngang qua phố Hàng Mã nhìn đủ thứ đèn, hoa lấp lánh, tôi lại nhớ tuổi thơ đến quặn lòng. Tuổi thơ có nhiều ký ức dịu ngọt, hẳn rồi. Cũng có những ấn tượng khó phai mà nếu người ta không thể kiềm chế nó theo hướng tích cực thì sẽ trở thành nỗi ám ảnh. Với tôi, đó là đôi dép lốp.
Tôi không nhớ chính xác một đôi dép lốp xưa ở Hà Nội bán với giá bao nhiêu, nhưng có một điều chắc chắn rằng nó rẻ hơn nhiều so với dép nhựa. Đi dép lốp đến trường, quả là một nỗi ám ảnh. Bạn bè nhiều đứa chực reo lên: “A, ông xe thồ! Chúng mày ơi, ông xe thồ”. Ám ảnh lớn quá khiến thằng bạn tôi cả gan cắt phăng quai dép rồi về nói dối mẹ là dép đứt. Tất nhiên là nó được ăn một trận đòn, và ngay chiều đó bố nó hớn hở mang về một đôi quai khác cắt từ chiếc săm xe máy. Thằng bạn tôi còn ớn trận đòn nên không dám cắt nữa. Nhưng một tuần sau, tôi thấy nó diện một đôi dép nhựa Tiền Phong cáu cạnh, nó tí tởn khoe: “Tao ném đôi dép lốp xuống sông Tô Lịch rồi. Cấm nói với ai nhé!”. Tôi không gan lỳ được như nó nên đành ngậm ngùi diện dép lốp.
Nghệ nhân Phạm Quang Xuân làm dép lốp trong vòng vây của cánh nhà báo. |
Dép lốp ngày xưa làm rất xấu, nhất là dép trẻ con. Tôi có cảm tưởng như người ta chỉ cắt đại cho nó thành hình cái bàn chân rồi đóng quai là xong việc. Nhiều đôi đi còn cong tớn lên, tưởng như chiếc dép đang kêu gào đòi được trở lại hình hài cũ làm bánh xe ô tô. Đi dép lốp hay bị tụt quai, rồi quai lại co giãn, chân tòi ra ngoài đất, chạy chơi một lúc mồ hôi chân dinh dính nhớp nháp. Đó lại là một nỗi ám ảnh.
Lớn lên một chút, đám thanh niên lại có “mốt” diện dép đúc cao su. Dép đúc này khác hoàn toàn dép lốp của trẻ con. Khác từ cái giá tiền là điểm khác lớn nhất. Dép đúc cao su thì có giá cao hơn dép nhựa nhiều, đó là cả một tài sản lớn, đến nỗi nhiều “tay anh chị” trông ngầu đời bặm trợn là thế nhưng ngồi đâu cũng phải khư khư giữ. Theo tôi thì dép đúc cao su không đẹp, người ta thích nó chỉ vì trông nó ngầu, nó có “chất lính”. Phải nói thêm rằng, thanh niên Hà Nội thời đó rất thích tỏ ra có “chất lính”. “Chất lính” về hình thức phải có mũ cối, quần ba-ga-đin và đôi dép đúc. Về cơ bản, nhiều thanh niên Hà Nội thời đó thích tỏ ra mình là “lính”, có lẽ vì thế mà họ thích dép đúc.
Đến bây giờ dép đúc đã đi vào dĩ vãng, kéo theo cả cái nghề làm dép đúc mai một. Hôm vừa rồi, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh diễn ra hoạt động trình diễn làm dép lốp Bác Hồ của nghệ nhân Phạm Quang Xuân. Nghĩ càng thương Bác nhiều. Hơn hai mươi năm trời vị Chủ tịch nước đi dép lốp. Đôi dép Bác Hồ đã trở thành biểu tượng, đã đi vào thơ ca, nhạc họa đúng như lời của bà Phạm Thu Hương, Phó giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh. Một cán bộ bảo tàng kể lại chuyện lần đoàn làm phim Hàn Quốc sang dựng bộ phim tài liệu mang tên “Ngôi sao phương Nam”: "Họ quay đôi dép của Bác mà mình cứ ngỡ họ đang quay một viên kim cương. Họ dùng đường ray cho máy quay chạy quanh, dựng máy quay từ góc dưới, góc trên, từng chi tiết nhỏ trong lòng dép cũng không bị bỏ qua. Lần đầu tôi thấy dấu ngón chân cái của Người bấm vào lòng dép...”. Tôi đáp: “Đôi dép của Bác còn quý hơn kim cương ấy chứ. Đôi dép đơn sơ, đôi dép Bác Hồ… mà”. Tôi muốn nói tiếp điều gì đó nhưng chợt nhận thấy lời mình nói ra sao giống với bài hát của cố nhạc sĩ Văn An quá nên ngừng lời. Phải rồi, bài hát ấy đã nói quá đủ rồi còn gì.
Nghệ sĩ Phạm Quang Xuân được coi như người làm dép cao su cuối cùng của Hà Nội. Sở dĩ ông còn giữ được nghề này một phần là do có nhiều bảo tàng nhờ ông chế tác lại đôi dép của Bác để trưng bày. Ông nghiên cứu đôi dép của Bác kỹ lắm. Giờ ông có thể nhắm mắt làm cũng giống. Ông chế tác rất nhanh, chưa đầy nửa tiếng đồng hồ đôi dép đã thành hình. Đôi dép đó lại được nhân viên bảo tàng đưa đến từng người xem để phục vụ cho buổi bán đấu giá. Một doanh nhân ở Hải Dương đã mua đôi dép ấy với giá 5 triệu đồng. Vị doanh nhân nói: “Tôi rất kính yêu Bác. Tôi coi đôi dép của Bác là biểu tượng của ý chí và đức giản dị. Tôi muốn đi dép Bác Hồ để nhắc mình học tập Bác mỗi ngày”.
Những lời nói chân thành của vị doanh nhân khiến tôi xúc động. Việc học tập tấm gương Bác Hồ, mỗi người có thể thực hành theo cách khác nhau, theo nhận thức của riêng mình. Và cách mà vị doanh nhân đó chọn lại một lần nhắc tôi nhớ về tuổi thơ. Ba mươi năm trời cái ký ức đôi dép lốp cao su của tuổi thơ tôi lại vọng về. Nhưng lần này tôi thấy ở đây cả một giai đoạn lịch sử mà xã hội ta cần kiệm, yêu lao động, đồng lòng gắn bó, quyết tâm vượt khó vươn lên. Đôi dép lốp đơn sơ nhưng đã làm tốt vai trò lịch sử của mình.
Bài và ảnh: ĐÔNG HÀ
http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/ha-noi-thu-do-cua-chung-ta/tan-man-ve-mot-thoi-dep-lop-ha-noi/320383.html
Tin tức khác:
- Lịch sử đặc biệt của đôi dép cao su bộ đội Cụ Hồ(24/03/2021)
- Chuyện về người vực dậy đôi dép lốp huyền thoại(20/03/2021)
- Kể chuyện nghệ nhân làm đôi dép cao su Bác Hồ(20/03/2021)
- Chuyện người hồi sinh những đôi dép lốp huyền thoại(19/03/2021)
- Đôi dép cao su: “Huyền thoại lịch sử” đi từ chiến tranh đến hiện đại(19/03/2021)
- Người đàn ông từ bỏ vị trí phó giám đốc về làm dép cao su Bác Hồ(19/03/2021)
- Đôi dép cao su Bác Hồ đi suốt dặm dài đất nước(19/01/2021)
- 1947(16/12/2020)
- 1954(16/12/2020)
- 1968(16/12/2020)
- 1975(16/12/2020)