Sợi chỉ nghề mỏng mảnh…

Đăng bởi Nu Online
Thứ Tue,
09/11/2021

Hà Nội đầu đông, sau cả tuần mưa gió rét mướt thì chiều nay bỗng hửng nắng. Trong con ngõ nhỏ trên phố Nguyễn Biểu, vị ẩm ướt vẫn còn đọng lại, những giọt nước mưa từ tán khế xanh mát nhỏ xuống đống lốp xe, chồng đế dép cao su và ngổn ngang những miếng cao su lớn nhỏ bày la liệt.

Sau nhiều tháng ngơi tay vì sức khỏe yếu, vì dịch bệnh COVID-19, chiều nay “vua dép lốp” Phạm Quang Xuân lại bắc ghế ra đoạn ngõ nhỏ hẹp trước số nhà 13 để làm công việc quen thuộc… Nắng chiều yếu ớt len qua đám lá chiếu xuống mái đầu bạc trắng. Người thợ già đang gò lưng, ghì tay, bặm môi đưa đường dao sắc lịm trên những thớ cao su. Bền bỉ qua nhiều năm tháng, ông vẫn gắng tâm gắng sức để níu giữ sợi chỉ nghề mỏng mảnh…

1. Đã một năm kể từ ngày nghệ nhân làm dép cao su Nguyễn Quang Xuân bị tai biến, sức khoẻ ông yếu đi nhiều, nhịp đi lại, sinh hoạt không còn nhanh như trước. Tuy thế, ông chưa hề có ý định dừng việc làm dép cao su. Vợ ông - bà Nguyễn Thị Bình chỉ tay về phía góc phòng khách rồi bảo, những ngày ông ốm không làm dép được, ông nhớ nghề nên chân tay bứt rứt không yên.

Hiểu lòng ông, nên tất cả đồ nghề và phụ kiện liên quan bà vẫn để nguyên vị trí bên cạnh chiếc tủ nhỏ bày dép cao su, như có ý chờ ngày ông trở lại. Chiều nay, thấy ông lôi đồ nghề ra ngõ, lại cần mẫn, tỉ mỉ cắt đế, rút quai dép mà bà mừng đến trào nước mắt. Bởi bà biết, nhịp sống đã quay trở lại với ông. Chừng nào còn làm dép được, thì chừng ấy ông còn sức khoẻ, còn thiết tha với cuộc đời này.

“Vua dép lốp” Phạm Quang Xuân sinh năm 1942, vợ ông sinh năm 1952. Ông quê ở làng Tía, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Tây (cũ), nay là Hà Nội, còn bà là người huyện Gia Lâm. “Trước khi lấy tôi, ông nhà tôi là thợ làm dép ở Xí nghiệp Bách Hóa cấp 2 ở số 45 Hàng Bồ. Đám cưới của vợ chồng tôi tổ chức vào ngày 13-4-1975 thì đến cuối tháng là giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Ngày ấy ông nhà tôi đã là thợ làm dép có tiếng rồi, còn tôi là thợ may. Tôi lấy chồng, và đi dép lốp chồng làm từ đó đến nay”, bà Bình khẽ khàng nhắc chuyện xưa. 

Với ông Xuân, nghề làm dép cao su là kế sinh nhai của gia đình, nhưng còn hơn thế, làm nghề còn để gìn giữ và truyền lan một tâm thế lịch sử đặc biệt gắn với 2 cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc, gắn với phong cách sống giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 69 năm bén duyên với nghề làm dép, ông tự hào khi những đôi dép cao su có mặt trong những sự kiện lớn của đất nước, cả trong chiến tranh và hoà bình.

Quãng những năm 1960, khi là công nhân làm dép trong xí nghiệp, vì nhanh nhẹn và khéo tay nên ông được giao nhiệm vụ làm dép cho cán bộ ngoài Bắc vào chiến trường miền Nam. Đến thời kì người dân đi xây dựng vùng kinh tế mới, đôi dép ông làm cho rất nhiều gia đình như một lời chúc họ lên đường chân cứng đá mềm. Rồi cũng chính ông được lựa chọn để chế tác đôi dép cao su gắn bó với cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ để trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đó là niềm vinh dự trong quãng đời làm nghề mà đến bây giờ ông vẫn nhớ như in.

2.jpg -0
Có bao nhiêu kinh nghiệm làm nghề, ông Xuân truyền dạy cho con rể Nguyễn Tiến Cường.

Sợi chỉ nghề mỏng mảnh tồn tại được đến ngày hôm nay đã trải qua không ít thăng trầm. Thời kì những đôi dép nhựa nhiều mẫu mã, nhiều màu sắc từ miền Nam ào ra Bắc thì dép lốp bỗng chốc bị hất tung. Khi dép lốp hầu như không còn ai mua nữa, ông Xuân đành phải tạm dừng nghề trong tiếc nuối. Nhưng có lẽ vì một chữ duyên, mà ngay cả khi chuyển sang làm đế giày, làm đệm đường tàu, ông vẫn gắn với… lốp cao su. Khi những người bạn làm dép cao su cùng ông đã bỏ hẳn nghề, thì ông Xuân vẫn túc tắc làm khi có người đến đặt dép, dù chỉ là một, hai đôi.

Rồi đến những năm 1999 – 2000, khi nhiều người quay lại tìm ông đặt làm dép lốp, nghệ nhân đã chính thức quay trở lại nghề xưa. Ông Xuân nổi tiếng về nghề, một phần là vì ông công phu, khắt khe trong tất cả các khâu làm dép. “Nhất đồ nhì nghề”, bộ dụng cụ làm dép của ông thuộc hàng hiếm và được ông giữ gìn như vật báu. Bộ dao, đục phải thửa riêng, vừa làm vừa sáng tạo thêm. Từ con dao phá lốp ít người có đến viên đá mài, dù không hề bóng bẩy, đẹp mắt nhưng quan trọng phải thuận tay, vừa tay, cầm chắc tay khi làm việc.

Ông kĩ càng từ khâu chọn lốp, bởi không phải chiếc lốp cũ nào cũng làm nên những đôi dép đẹp. Phải là lốp của chiếc xe ôtô tải trọng lớn, vừa dày vừa bền, đem bóc bớt lớp vải đi, pha ra từng mảng cao su mỏng, rồi cắt đế, khoét đế, đục lỗ, rút quai. Ông bảo quá trình làm dép, công đoạn nào cũng quan trọng, cũng nhọc công. Với bàn tay tài hoa và lành nghề, khâu nào ông làm cũng thuần thục, đẹp mắt và đúng kĩ thuật. Ngày trẻ, ông làm một đôi dép trong một giờ, bây giờ sức yếu, phải mất vài tiếng mới xong. Ấy thế mà vẫn có khách đến tận nhà ông đặt dép và kiên trì đợi ông làm kì xong để mang về.

Bà Bình bảo, bao năm nay ở với ông, chưa thấy lúc nào ông vội vàng. Dù người đặt dép có nhiều đến mấy ông cũng giữ nếp làm việc chừng mực, đến giờ là ăn, đến giờ là nghỉ, không tham việc. Làm việc trên chất liệu cao su, không thể nhanh và ẩu được, nhưng lại cần độ kiên trì và say mê.

2. “Bố tôi là thợ làm dép lốp. Khi hơn 10 tuổi, tôi đã phụ giúp bố làm dép. Khâu đầu tiên là rút quai dép. Khi tản cư về tận quê ngoại ở Thanh Hoá, tôi cũng tham gia vào tổ làm dép lốp. Bố tôi đã truyền tình yêu dép lốp cho tôi. Thời gian trôi nhanh, thoáng chốc mà đã 69 năm kể từ lần đầu tiên tôi cầm vào miếng đế dép cao su”, người thợ già tự tổng kết cuộc đời mình.

Ông bà Xuân có 2 người con một trai một gái, nhưng thật tiếc vì không ai đi theo nghề làm dép. Đã có thời kì ông lo lắng và buồn khi không có người kế nghiệp. Có lẽ duyên nghề quá đậm sâu, nên khi ông đã bước qua tuổi thất thập thì anh con rể Nguyễn Tiến Cường thấy đôi dép lốp nhiều thú vị đã quyết định rẽ ngang để nối nghề của ông. Trước quyết định của con, ông vừa mừng vừa lo. Nghĩ đi nghĩ lại, ông đã can ngăn, bởi ông băn khoăn rằng thị hiếu luôn thay đổi, đôi dép cao su đã từng bị bỏ rơi giữa phố xá hiện đại, liệu con ông có sống nổi với nghề?

1.jpg -0
Trong con ngõ nhỏ trên phố Nguyễn Biểu (Hà Nội), người thợ già Phạm Quang Xuân vẫn cặm cụi làm dép lốp cao su.

Bây giờ thì ông yên tâm rằng chính anh Cường đã thay ông níu giữ sợi chỉ nghề dù mỏng manh nhưng không hề đứt đoạn. Khi ông nghĩ rằng dép cao su đã lạc hậu, thì anh Cường phả hơi thở hiện đại vào từng mẫu dép và không ngừng cải tiến mẫu mã, kiểu dáng. Khi ông hết hy vọng vào thói quen tiêu dùng “ăn chắc mặc bền” của người dân trong thời kì khốn khó, thì anh Cường lại kỳ vọng vào sự tiện dụng, cơ động, độc đáo mà đôi dép cao su mang lại.

Trước kia, mỗi khi làm một đôi dép lốp, ông kì công khắc hình bản đồ đất nước, khắc chữ “Hà Nội – Việt Nam” vào lòng dép. Đó như một chỉ dấu văn hoá đặc biệt để biết bao vị khách quốc tế tìm đến Hà Nội, tìm đến nhà ông, say sưa ngắm ông làm dép và đặt dép mang về nước họ. Bây giờ, anh Cường chủ động mang dép đi nhiều nước để quảng bá sản phẩm của mình.

Ông Xuân nhớ lại, vị khách nước ngoài đầu tiên biết đến “xưởng” dép của ông trong con ngõ ở phố Nguyễn Biểu là một người Đức. Vị khách ngạc nhiên hết sức khi biết được rằng những đôi dép siêu bền, siêu chắc và độc đáo kia được làm hoàn toàn thủ công và tận dụng từ lốp xe cũ.

Mang theo đôi dép lốp về Đức, vị khách ấy viết bài về ông, về một góc rất riêng của Hà Nội được người viết khám phá ra từ những đôi dép lốp. Sau này, nhiều khách Nhật đến thăm ông. Những bài báo tiếng Anh, tiếng Nhật viết về dép lốp sau khi phát hành đã được gửi về Hà Nội tặng ông. Trong phòng khách của gia đình, ngoài những đôi dép lốp, những bài báo đó vẫn được ông bà vẫn giữ gìn, trân trọng.

Một điều thú vị là bao nhiêu năm qua, vợ chồng ông, các con, các cháu của ông đều đi dép lốp. Khi các cháu chập chững bước đi đầu tiên, ông đã kì công làm những đôi dép cao su nhỏ xíu. Rồi cháu lớn đến đâu, ông đo và làm dép tới đó. Với gia đình ông, đôi dép lốp là sự thân quen và gắn bó tự nhiên…

zalo chat 0989.530.530 zalo chat 0989.22.34.22
popup

Số lượng:

Tổng tiền: