ong-chu-vua-dep-lop-lam-dep-cao-su-co-the-giau-nhung-toi-chua-nghi-den-dieu-do

Đăng bởi Admin vuadeplop
Thứ Tue,
30/01/2024

Căn gác xép rộng khoảng 12 m2 ở Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, là nơi làm việc của Cường "phò mã", chủ thương hiệu Vua Dép Lốp. Phong cách ăn mặc, nói chuyện giản dị như chính những đôi dép lốp (dép cao su - PV), anh như rút ruột gan khi nói về hành trình của đôi dép cùng những khó khăn mà một thương hiệu sống dựa vào khách quốc tế từ đầu năm tới nay phải trải qua cũng như những khát vọng anh gửi gắm vào sản phẩm.

không phải đến khi bị ế hàng chục nghìn đôi vì dịch Covid-19, Nguyễn Tiến Cường mới biết nghề làm dép khó khăn. Ngay từ năm 2014, khi mới khởi nghiệp với dép, anh đã xác định công việc này đầy thách thức bởi mục tiêu "nhắc đến Cuba người ta nhắc xì gà, nhắc đến Việt Nam là nhớ ngay đến đôi dép lốp" mà anh tự đặt ra cho mình.

Trong giới kinh doanh, người ta quen gọi Nguyễn Tiến Cường là "Cường phò mã". Biệt danh này xuất phát từ việc Cường là con rể của ông Phạm Quang Xuân, nghệ nhân có trên 50 năm làm dép cao su, được mệnh danh là vua dép lốp, và bởi thế "Bố tôi là ‘vua’, thì tôi là… ‘phò mã’".

Những ngày khởi nghiệp làm dép của Nguyễn Tiến Cường là cả một câu chuyện dài truyền cảm hứng. Trước hết là bởi sự liều lĩnh của một người ngoại đạo dấn thân vào lĩnh vực mới toanh và gần như… lỗi thời, không đem về kinh tế. Sau nữa, đó là sự gàn dở của một người làm dép lốp chỉ vì phát cuồng, thua lỗ cả năm trời vì tiếp cận sai và bảo thủ, đi kèm tham vọng về một mặt hàng kén khách mua trở thành "hàng hóa quốc dân" ai cũng muốn có.

"Tôi là người ngoại đạo với ngành dép, cũng không hề có khiếu kinh doanh, không biết gì về marketing. Tôi làm dép, kinh doanh dép đơn giản vì tôi phát cuồng vì nó", anh nói.

Năm 2014, khi còn là kỹ sư công nghệ thông tin với mức lương cả nghìn USD mỗi tháng, anh nghỉ việc. Từ những lần ngồi uống trà, xem bố vợ tỉ mẩn đục đẽo, gọt mài những chiếc lốp xe rồi làm thành dép bán cho khách, anh bị thu hút. Ban đầu, anh chỉ tò mò. Về sau, vì yêu thích, anh bỏ hẳn việc, về học làm dép lốp.

"Nhưng bố tôi rất khó và kỹ tính. Ông kỹ tính đến độ trong nhà, từng chiếc đĩa, chiếc tô được quy định để món này, món nọ, mọi thứ đều có nguyên tắc rất rõ. Đồ đạc của ông mà có ai khác đụng vào, nhìn cái là ông biết ngay", anh kể. Vì bố vợ kỹ tính và ít nói nên anh Cường không dám hỏi nhiều về nghề làm dép lốp mà lân la đi hỏi những người khác, dù họ không giỏi như "vua". Từng bước, anh hình dung được các công đoạn và nguyên tắc cơ bản để làm ra đôi dép lốp. Mỗi đôi dép làm xong, anh đều mang về để ông Phạm Quang Xuân nhận xét, góp ý.

Thoạt đầu, cũng như bao người, ông Xuân phản ứng với chuyện con rể nghỉ việc nghìn USD đi làm dép lốp. "Ông bảo theo nghề này làm gì khi mà nghề cũ đang ổn định, có lẽ ông sợ con rể không sống nổi với đôi dép lốp mà ông từng đau đáu nâng niu, trân trọng. Tôi thì nghĩ khác, tôi muốn phát triển nó, vì nó vốn là sản phẩm mà người Việt có vẻ như ai cũng biết, tôi sẽ làm nó sống lại, để mỗi người Việt đều muốn sở hữu một đôi dép cao su thật bền chắc để đi", Cường tâm sự.

Nhưng anh đã nhầm. Không phải ai cũng thích dép lốp như anh nghĩ, hoặc không phải ai cũng biết đến đôi dép cao su Bác Hồ đi như anh tưởng. Và vì thế, anh cho rằng mình đã sai lầm từ những bước tính toán đầu tiên. Những đôi dép dày cộp, nặng trịch và dính màu cao su đen sì đầu tiên được anh và thợ dày công sản xuất, bày bán, đều ế chỏng chơ. "Tôi biết mình đã sai ở một bước nào đó", anh nói.

Nhiều người chân thành khuyên Nguyễn Tiến Cường nên đổi mới hình ảnh cho đôi dép cao su, làm thương hiệu bài bản. Nhưng anh thừa nhận bản thân lúc đó bảo thủ, cố tin tưởng vào sản phẩm của mình nên tiếp tục thua lỗ cả năm trời.

Rồi khoảng một năm sau, anh thử nghiệm những đôi dép lốp đổi mới đầu tiên. Nói là đổi mới vì dép bắt đầu có màu sắc, hình thức hiện đại, phù hợp với người trẻ và cũng nhẹ hơn đôi dép truyền thống rất nhiều, đi vào cũng không còn bị đen chân nữa. Và có vẻ nước đi này của anh đã đúng.

Sản phẩm được đón nhận, "Cường phò mã" bắt đầu hành trình phát triển dép, mở rộng thương hiệu vào năm 2016. "Tôi có khoảng 15 nhân công, tự tin mà nói họ đều là những người thợ giỏi nhất mà tôi biết. Tính tôi, luôn muốn tìm đến người giỏi nhất. Về phía mình, tôi tự nhận mình làm dép không giỏi, chỉ gọi là bì bõm thôi", anh bộc bạch. Hiện tại, thợ của anh có thể làm được 250 đế dép mỗi ngày, đáp ứng được mọi yêu cầu, mẫu mã của sản phẩm.

Suốt câu chuyện với chúng tôi, ngoài say mê nói về những đôi dép lốp qua thời gian dần được cải tiến, anh còn kể về việc định danh cho sản phẩm của mình. Logo là hình của "vua dép lốp" Phạm Quang Xuân cùng hình ảnh chiếc lốp xe. Mỗi đôi dép đến tay người mua đều được đóng hộp, đi kèm một tờ giới thiệu về lịch sử của sản phẩm tại Việt Nam, trong chiến tranh và trong thời bình. Ban đầu, Nguyễn Tiến Cường đích thân viết tay từng tờ giấy đó nhưng khi đơn hàng nhiều lên, anh thuê người vẽ lại lịch sử đôi dép cũng như quy trình để tạo ra sản phẩm, nhằm chuyên nghiệp hóa.

Đến nay, những đôi dép đã tiếp cận được khách hàng quốc tế, nhiều nhất là Trung Quốc. Nguyễn Tiến Cường kể nhiều người lo ngại thay anh việc dép lốp có thể bị làm nhái, làm giả ở thị trường Trung Quốc, song anh tự tin máy móc không thể sản xuất đại trà đôi dép cao su vì đặc trưng của loại dép này là phải làm thủ công hoàn toàn.

Vua Dép Lốp cũng có thị trường riêng trong nước nhưng ông chủ thương hiệu này không nhớ nổi mình có bao nhiêu mẫu mã, cũng không hề có bộ phận thiết kế chuyên nghiệp. Dép được bán trên thị trường có nhiều kiểu dáng, đôi là mẫu truyền thống, đôi thì do khách đặt hàng theo mẫu tự sáng tạo, thậm chí theo kiểu dáng của các thương hiệu lớn như Gucci, Hermes… nhưng điểm chung là đều được làm từ lốp xe.

Cường có những nguyên tắc làm nghề mà anh tự nhận là rất lạ, chẳng hạn không bao giờ tặng dép cho ai, kể cả những người nổi tiếng. "Tôi không muốn người khác khó xử nếu họ không thực sự thích, cũng không muốn sản phẩm của mình được người khác tặng cho nhau như một món quà kỷ niệm. Làm dép, tôi mong mọi người mua khi muốn đi nó, giống như chúng ta mua quần áo vì muốn mặc nó vào người, chứ dép mà tặng làm quà chỉ để trưng bày thì hỏng", anh nói.

Dịch Covid-19 ập đến bất ngờ. Các đường bay đóng cửa. Khách du lịch không đến Việt Nam. 10.000 đôi dép trên tổng số kế hoạch 20.000 đôi vẫn nằm chờ trong kho, chưa biết khi nào mới bán được ra thị trường. Trước đây, mỗi tháng trung bình anh bán được 6.000 đôi dép nhưng từ khi có dịch, doanh số bán hàng chỉ còn 1/3. Dù thế, anh vẫn tự nhận là may mắn khi tìm ra hướng đi mới trong đại dịch. Dù cách này không mang lại hiệu quả như lúc chưa có dịch, nhưng chí ít, công nhân của anh không ai phải nghỉ việc.

Nếu như trước đây, dép lốp chủ yếu được bán cho khách quốc tế, xuất khẩu ra các thị trường Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản… thì đến nay, anh Cường chuyển hướng bán cho người tiêu dùng trong nước và nhận các đơn đặt hàng mua dép làm quà tặng trong các sự kiện lớn. Số dép bán ra hiện tại dao động ở mức 2.000 đôi/tháng, chỉ bằng 1/3 so với thời điểm trước dịch. Tuy nhiên, tín hiệu này là đáng mừng. Anh dự kiến mở thêm điểm bán ở khu di tích quê Bác (Nghệ An) và một số cửa hàng mới để sản phẩm tiếp cận rộng hơn với thị trường mới.

"Khách trong nước đã bắt đầu gửi mẫu mã về nhờ tôi sản xuất bằng chất liệu cao su. Các đoàn đại biểu, các công ty, thậm chí bộ, ngành cũng đặt hàng dép lốp. Không bán được quá nhiều nhưng những thay đổi từ đầu năm tới nay đã mang lại cho tôi niềm tin rằng mình có thể tin tưởng vào thị trường trong nước", anh kể.

Dép lốp của công ty đang được bán tại một siêu thị trong nước, ông chủ hãng dép này cũng đang có kế hoạch hợp tác với một thương hiệu thời trang Made in VietNam với chuỗi hệ thống lớn để để bán sản phẩm.

Thực tế, ban đầu, đối tượng khách hàng mà Vua Dép Lốp muốn hướng đến là người tiêu dùng trong nước, nhưng ý tưởng đã không thể thành hình nên sau đó, anh chuyển hướng tiếp cận sang khách quốc tế. "Giờ trong nguy cơ cơ, khách trong nước bắt đầu đón nhận sản phẩm dép cao su cũng là điều hay", anh Cường nói.

Việc chuyển đổi hướng đi có thể ví von là bước đường cùng nhưng lại giúp Nguyễn Tiến Cường thực hiện mục tiêu đặt ra từ ngày đầu khởi nghiệp.

Mỗi đôi dép cao su có giá trung bình khoảng 300.000 đồng đến cả triệu đồng, tùy mẫu. Nếu với mức tiêu thụ như hồi trước dịch, cùng với các kế hoạch bán hàng bài bản, anh Cường cho rằng có thể giàu lên từ dép. "Tôi cho rằng dép lốp có thể giúp tôi giàu lên nhưng đó chưa bao giờ là ước mơ của tôi cả". Thứ anh muốn là giữ gìn hình ảnh đôi dép lốp vừa như một sản vật, một thứ mà bố vợ anh và anh trân quý, tự hào, vừa như một món đồ mà người tiêu dùng khao khát được sử dụng.

"Tôi làm dép, không dùng đòn bẩy tài chính, gần như không có ai góp vốn làm chung, tôi làm vì tôi đam mê nó thôi, chứ chưa tính đến việc làm giàu bao giờ, tôi không phải là người giỏi kinh doanh", anh bộc bạch.

Ông chủ hãng dép mơ ước những quầy biểu diễn múa rối nước trong khuôn viên Viện bảo tàng Hồ Chí Minh một ngày nào đó sẽ trở thành nơi những người thợ của anh biểu diễn làm dép lốp. Khách quốc tế đến Việt Nam sẽ mua một đôi dép cao su như cách người ta mua điếu xì gà khi đến Cu Ba. Khát vọng của anh là dép lốp có thể cạnh tranh được với dép da, dép nhựa, đặc biệt là những mặt hàng giá rẻ có xuất xứ Trung Quốc, Thái Lan, "quốc dân hóa" đôi dép lốp để sản phẩm xuất hiện trong các kênh phân phối lớn, gồm các siêu thị trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

 

 

NDH

Link báo gốc: https://ndh.vn/lam-giau/ong-chu-vua-dep-lop-lam-dep-cao-su-co-the-giau-nhung-toi-chua-nghi-den-dieu-do-1277926.html

zalo chat 0989.530.530 zalo chat 0989.22.34.22
popup

Số lượng:

Tổng tiền: