Nối dài một ký ức xưa

Đăng bởi Admin vuadeplop
Thứ Wed,
31/01/2024

Những đôi dép lốp gắn liền với một thời gian khó. Nhưng anh Nguyễn Tiến Cường - truyền nhân của “vua dép lốp” Phạm Quang Xuân - còn nhận ra một giá trị khác ở chiếc dép cao-su ấy. Đôi dép như một hình ảnh đại diện cho ý chí vươn lên của đất nước. Từ chỗ chỉ sản xuất nhỏ lẻ, những đôi dép làm từ lốp xe ô-tô hỏng đã trở thành thương hiệu, góp phần lan tỏa giá trị tốt đẹp của người Việt.

Anh Nguyễn Tiến Cường chia sẻ câu chuyện về những chiếc dép lốp - những đôi dép giản dị mà nói lên ý chí của người Việt Nam một thời.
Anh Nguyễn Tiến Cường chia sẻ câu chuyện về những chiếc dép lốp - những đôi dép giản dị mà nói lên ý chí của người Việt Nam một thời.

Đôi dép cao-su ra đời từ những năm tháng kháng chiến chống Pháp. Từ chỗ khó khăn mà quân dân ta đã có sáng kiến lấy những chiếc lốp xe hỏng của quân Pháp làm thành dép cao-su. Ở Hà Nội, nhiều người biết đến ông Phạm Quang Xuân. 12 tuổi, ông đã phụ bố làm dép lốp, rồi theo nghề “truyền thống” của gia đình, tiếp tục làm dép lốp cho Công ty Bách hóa Hà Nội từ năm 1968.

Đến khi xã hội bắt đầu khấm khá, không mấy ai dùng dép cao-su nữa, ông Xuân vẫn ngày ngày cặm cụi với những dụng cụ tự chế làm dép lốp. Người Hà Nội gọi ông bằng cái tên thân mật “vua dép lốp”. Hình ảnh người đàn ông có tuổi, tay cầm dao, cầm dùi đục “đi” những đường sắc lẹm để tạo hình đôi dép cao-su được coi như hình ảnh đại diện cho một Hà Nội cũ.

Ông Xuân có một người con rể là Nguyễn Tiến Cường. Bố vợ làm dép lốp, anh Cường cũng quen với việc làm dép lúc nào không hay. Vốn làm việc trong ngành công nghệ, anh thử lập trang web để giới thiệu câu chuyện của bố vợ mình, và thử… bán dép.

Chẳng ngờ, đã bước sang thế kỷ 21, nhưng nhiều người vẫn nặng lòng với dép lốp - một mảnh ký ức xưa. Nhiều người tìm đến tận nhà ông Xuân để hỏi mua. Ông Xuân làm thủ công một mình, khách thì đông, cho nên phải hạn chế số lượng khách mua. Đến năm 2014, sau nhiều ngày suy nghĩ, anh Nguyễn Tiến Cường quyết định từ bỏ vị trí Phó Giám đốc một công ty phần mềm để… đi làm dép lốp. Nhưng ông Xuân lại phản đối anh Cường bỏ việc, theo đuổi nghiệp làm dép, cho nên ông không muốn truyền nghề cho con rể.

Quãng thời gian ấy chính là lúc anh Cường đi khắp nơi để tìm hiểu kỹ hơn về câu chuyện dép cao-su. Bài thơ “Đôi dép Bác Hồ” của nhà thơ Tạ Hữu Yên anh được nghe từ bé, bây giờ anh mới hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện. Bác Hồ có một đôi dép cao-su được chế tạo từ lốp ô-tô của quân đội Pháp từ năm 1947. Bác sử dụng đôi dép lốp đó cho đến mãi sau này. Đôi dép là biểu tượng cho sự giản dị của Bác.

Anh cũng biết rằng, trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đôi dép cao-su gắn liền với hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ. Anh lặn lội khắp nơi tìm những người còn làm dép lốp để học hỏi. Lúc này, nghệ nhân Phạm Quang Xuân mới quyết định truyền nghề cho con rể. Năm 2014, hai bố con thành lập doanh nghiệp chuyên sản xuất dép từ lốp cao-su, với thương hiệu “Vua dép lốp”.

Xuất thân từ “dân” công nghệ, mọi việc kinh doanh đều bỡ ngỡ. Sau khi khảo sát nhiều nơi, kể cả kinh nghiệm nước ngoài, anh nhận ra, cái hay nhất của dép cao-su chính là những câu chuyện phía sau nó. Đó là câu chuyện về những danh nhân, về những người chiến sĩ năm xưa với ý chí xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Nhưng không phải cứ như vậy là bán được hàng. Có những vị khách rất thích thú, dành cả thời gian dài xem anh Cường làm dép mà nhất quyết… không mua hàng.

Anh nhận ra, nếu giữ những mẫu mã như xưa thì không phải khách hàng nào cũng chấp nhận. Cần phải có những cải tiến nhất định. Với những mẫu cũ, phải làm mỏng hơn, nhẹ hơn. Bên cạnh đó, phải sáng tạo những mẫu mới, để dép lốp không còn gắn với hình ảnh những con người nghèo khó, khắc khổ một thời. Hàng chục mẫu dép mới được anh nghiên cứu, sáng tạo sao cho phù hợp với chất liệu cao-su, bảo đảm độ bền, thoải mái khi sử dụng và tính “độc, lạ”. Những cải tiến ấy nhanh chóng được thị trường chấp nhận. Nhiều bạn trẻ coi đó là một món đồ thời trang, đem lại sự thoải mái.

Đặc biệt, do chế tác thủ công nên việc cá nhân hóa các đôi dép khá thuận lợi. Phát huy đặc điểm này, anh Cường còn khắc tên người dùng lên quai dép, hay những biểu tượng theo ý muốn của người dùng trên đôi dép, hoặc logo biểu tượng cho doanh nghiệp theo yêu cầu đặt hàng... Bây giờ, gian hàng của gia đình anh ở một góc Bảo tàng Hồ Chí Minh (số 19, phố Ngọc Hà, quận Ba Đình) trở thành một địa chỉ thú vị cho khách tham quan cả trong và ngoài nước. Gian hàng còn có những đôi dép khổng lồ do chính anh tạo ra, là nơi khách du lịch rất thích chụp ảnh lưu niệm.

Đến thời điểm này, doanh nghiệp dép lốp của anh Nguyễn Tiến Cường đã có hàng chục thợ lành nghề, những đôi dép lốp được xuất khẩu đến nhiều nơi trên thế giới. Điều anh tự hào, là anh không chỉ bán sản phẩm. Anh bán những câu chuyện về dép lốp. Đó là những câu chuyện đẹp về con người Việt Nam giàu ý chí, nghị lực trong khó khăn.

zalo chat 0989.530.530 zalo chat 0989.22.34.22
popup

Số lượng:

Tổng tiền: