-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
NGUYỄN TIẾN CƯỜNG người đưa thương hiệu " Vua dép lốp " vươn tầm quốc tế
Đăng bởi Admin vuadeplop
Thứ Fri,
02/02/2024
"Vua Dép Lốp là cách gọi mà những người thợ làm dép lốp, dép cao su dành cho ông Phạm Quang Xuân. Ông Xuân sinh năm 1942 tại Hà Nội. Từ nhỏ khi chỉ mới 12, 13 tuổi ông Xuân đã phụ bố làm dép cao su. Năm 1960, tròn 18 tuổi, ông Xuân được nhận vào làm việc tại xí nghiệp dép lốp Trường Sơn số 45 Hàng Bồ, Hà Nội. Gắn bó hơn 60 năm với nghề làm dép lốp, ông Xuân nổi tiếng là một người thợ có thể tạo nên những sản phẩm tinh xảo, vừa vặn khác hẳn với những mẫu dép lốp thông thường. Nhờ đó, ông Xuân là một trong số ít những người thợ được mời làm lại những đôi dép cao su, một vật gắn liền với cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh để đặt trưng bày tại lăng và bảo tàng mang tên Người.
Current Time0:48
/
Duration0:48
HD
Auto
Nghệ nhân làm dép lốp trong khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh
Anh Nguyễn Tiến Cường trở thành con rể ông Xuân vào thời điểm những đôi dép thủ công tinh xảo được làm ra từ những chiếc lốp xe cũ hỏng dần biến mất để nhường chỗ cho các loại giày dép được làm ra từ những chất liệu phong phú, kiểu dáng đa dạng xuất hiện ồ ạt trên thị trường. Dù vậy trong một lần tình cờ chứng kiến ông Xuân làm dép lốp cho vài khách hàng là những người hoài cổ, anh Cường vẫn thấy bị cuốn hút. Tò mò, hỏi ông Xuân về cách làm, về lịch sử đôi dép, anh Cường càng nghe càng thấy thú vị. Tình yêu những đôi dép lốp cứ thế lớn dần cho đến khi anh Cường quyết tâm từ bỏ công việc ở một doanh nghiệp phần mềm, học nghề làm dép lốp, lập ra thương hiệu Vua Dép Lốp với mong muốn thương mại hóa những sản phẩm thủ công. Tất nhiên, hành trình hồi sinh những đôi dép lốp cũng gặp không ít chông gai.
Anh Cường bùi ngùi nhớ lại: "Lúc đầu mình học ông cụ (ông Phạm Quang Xuân - PV), chỉ làm những mẫu dép Bác Hồ, dép Bác Giáp thôi. Ngắm nhìn những đôi dép do mình làm ra, nghe kể về lai lịch của nó thì rất nhiều người thấy hay, thấy thú vị nhưng rốt cục thì vẫn chốt lại "thời buổi này ai còn đi dép lốp nữa"".
Những khó khăn ban đầu không thể khiến anh Cường lùi bước. Người ta thường nói: ở đâu có ý chí, ở đó có lối đi. Ý chí không lùi bước sau những thất bại ban đầu đã giúp anh Cường tìm ra được hướng đi cho sản phẩm dép lốp huyền thoại một thời. Đó chính là cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm.
Nhờ việc chuyển hướng, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, không lâu sau đó, "Vua Dép Lốp"đã bán được khoảng hơn 30.000 đôi dép mỗi năm cho khách du lịch ở nhiều nơi trên thế giới. Doanh số thu được chưa phải là lớn so với các ngành nghề thủ công khác nhưng cũng là con số mà khi khởi nghiệp, anh Cường chưa bao giờ dám nghĩ tới.
Danh xưng "Vua Dép Lốp" là dành cho ông Phạm Quang Xuân còn anh Cường là người thổi hơi thở cuộc sống đương đại vào danh xưng ấy, giúp danh xưng ấy vươn tầm quốc tế.
Chào anh Cường, xin phép được bắt đầu cuộc trò chuyện này bằng một câu hỏi tương đối thời sự: trong khoảng 2 năm tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến căng thẳng vừa qua, doanh nghiệp Vua Dép Lốp đã làm gì để duy trì hoạt động của mình?
- Với khoảng 90% lượng khách hàng, 90% doanh thu đến từ du khách quốc tế nên khi dịch bệnh xảy ra, nhất là trong giai đoạn đóng cửa hoàn toàn hoạt động du lịch, thương hiệu Vua Dép Lốp của chúng tôi gặp khó khăn vô cùng lớn. Tuy nhiên, giống như muôn vàn những khó khăn đã gặp phải từ khi xây dựng thương hiệu Vua Dép Lốp, tôi không chịu bó tay. Tôi coi dịch bệnh là cơ hội để hướng đến những hoạt động còn yếu, còn chưa được chú ý đúng mức trong thời gian trước đây, đó chính là thị trường trong nước và hoạt động bán hàng online.
Gần như ngay lập tức sau khi được đầu tư, hoạt động bán hàng online qua kênh: Google, Facebook, Shopee, Lazada, Ebay… đã đạt được mức tăng trưởng vượt bậc. Ngoài ra, tôi cũng đầu tư, liên kết để mở thêm hệ thống shop bán hàng tại các điểm dừng nghỉ trên đường cao tốc như tuyến cao tốc Bắc - Nam, tuyến cao tốc Hà Nội – Lào Cai; tham gia vào rất nhiều các hiệp hội làng nghề để tìm kiếm cơ hội tiêu thụ sản phẩm.
Tổng kết lại 2 năm dịch bệnh, dù thương hiệu Vua Dép Lốp gần như mất hoàn toàn nguồn doanh thu từ việc bán hàng cho khách du lịch quốc tế nhưng rất may chúng tôi lại bán được cho rất nhiều khách hàng trong nước. Bên cạnh đó, mảng bán hàng online cũng có được tiến triển vượt bậc. Nhờ đó mà Vua Dép Lốp vẫn bán được hàng, hoạt động của doanh nghiệp vẫn được duy trì.
Trở lại câu chuyện khởi nghiệp của anh, anh chính thức theo học nghề làm dép lốp từ bao giờ?
- Lần đầu tiên nhìn thấy bố vợ mình làm dép lốp là khoảng năm 2013. Sau đó ít lâu mình bắt đầu học hỏi để tự làm. Bố truyền nghề cho con, dĩ nhiên là ông cụ không giấu giếm điều gì. Dù vậy thì việc học nghề của tôi cũng không hề dễ dàng, thuận lợi.
Bố tôi là một người rất tỉ mẩn, kỹ tính. Đó chính là nhân tố quan trọng giúp bố tôi thành công trong việc tạo ra những đôi dép lốp tinh xảo. Thế nhưng chính sự tỉ mẩn, kỹ tính của ông cụ cũng khiến cho việc học nghề của tôi gặp không ít khó khăn, trở ngại.
Bộ đồ nghề của ông cụ được đặt riêng ở một gia đình cũng có truyền thống làm nghề rèn ba bốn đời. Ông cụ rất quý bộ đồ nghề ấy, gần như không ai đụng vào. Khi mới học nghề, tôi cầm bộ đồ nghề của ông cụ luôn ở trong trạng thái tâm lý hồi hộp, lo sợ. Tình huống ấy buộc tôi phải đi đường vòng. Tôi tìm đến những "đệ tử" trước của ông cụ, nhờ họ truyền thụ những kiến thức, những thao tác cơ bản. Sau khi đạt được trình độ tương đối rồi, tôi mới quay lại gặp ông cụ để học hỏi thêm những kiến thức, những thao tác chuyên sâu hơn.
Tóm lại, sự kỹ tính của ông cụ khiến cho tốc độ tiếp thu kiến thức của tôi bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, bù lại, nó lại giúp tôi có thể làm ra được những đôi dép "hàng hiệu". Việc làm dép lốp khó nhất là công đoạn uốn quai và rút quai. Ông cụ tỉ mẩn hướng dẫn tôi uốn quai, rút quai dép bên trái thế nào, bên phải thế nào, quai cổ chân thế nào… để quai dép ôm vừa vặn lấy bàn chân, xỏ vào dễ dàng mà đi lại không bị tuột.
Một năm sau, tôi xin nghỉ công việc là kỹ sư phần mềm, lập thương hiệu Vua Dép Lốp, tuyển nhân sự và bắt đầu chuyên tâm hoàn toàn vào việc sản xuất dép lốp.
Và thương hiệu Vua Dép Lốp cũng khởi sắc từ đó?
- Không, hoàn toàn không. Lúc đầu tôi học theo ông cụ và chỉ sản xuất 4 mẫu dép thôi, đó là mẫu dép ra đời vào khoảng năm 1947 còn gọi là mẫu dép Bác Hồ; mẫu dép ra đời vào khoảng năm 1954 còn gọi là mẫu dép Bác Giáp; mẫu dép ra đời khoảng năm 1968 còn gọi là mẫu dép Khe Sanh; mẫu dép ra đời năm 1975 hay còn gọi là mẫu dép Giải phóng quân.
Với các đặc tính như dễ sản xuất, đi êm, lội nước và bùn rất thuận tiện, có thể bảo vệ bàn chân ngay cả khi giẫm lên mảnh thủy tinh, dây thép gai, các mẫu dép trên được sử dụng rộng rãi trong quân đội Việt Nam trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Tuy nhiên, trong thời bình, nhất là khi đi đường thành phố thì những đặc tính vốn được coi là ưu việt của dép lốp, dép cao su không còn được coi trọng nữa. Ngoài ra dép lốp còn khá nặng so với dép da, dép nhựa, dép xốp. Đó là những lý do khiến cho mẫu dép do mình làm ra gần như không bán được một đôi nào trong suốt gần 1 năm trời.
Anh đã làm gì để tìm lối thoát cho doanh nghiệp của mình?
- Dù nhiều người góp ý phải thay đổi mẫu mã nhưng lúc đầu tôi khá bảo thủ. Tôi vẫn nghĩ, đã học hỏi, tiếp thu được kinh nghiệm đúc rút hàng chục năm của bố tôi thì sản phẩm tôi làm ra phải đẹp rồi, tốt rồi.
Nghĩ thế nên tôi tìm cách giới thiệu sản phẩm với nhiều người hơn. Biết được Ban Quản lý bảo tàng Hồ Chí Minh có quy hoạch một không gian gọi là không gian khám phá về Bác Hồ. Trong không gian đó có bố trí hoạt động làm dép lốp, tôi xin phép Ban Quản lý cho nghệ nhân của tôi được trình diễn làm dép lốp ở đó với hy vọng thu hút được sự tò mò của khách đến thăm quan bảo tàng. Tuy nhiên kết quả hoàn toàn ngược lại với mong muốn, hoạt động làm dép lốp của tôi chỉ thu hút được một lượng rất khiêm tốn người xem. Để thu hút thêm người đến xem, tôi nghĩ đến việc trả một khoản chi phí nho nhỏ cho các đoàn khách nếu họ ghé đến gian hàng của tôi nhưng việc này cũng không khả thi, vì nhu cầu của khách du lịch là được trải nghiệm chứ không phải để được nhận tiền…
Đến lúc đó tôi mới bắt đầu nghĩ đến sự thay đổi. Đầu tiên là bắt đầu làm những mẫu dép nhẹ hơn, những mẫu dép lốp dạng dép lê chứ không dập khuôn các mẫu dép lốp dạng sandal như trước. Và gần như ngay lập tức, những mẫu dép lốp cải tiến này đã nhận được sự phản hồi tích cực. Một gian hàng nho nhỏ với khoảng vài chục đôi dép được bán hết trong vòng 1 ngày.
Tôi nghĩ: À, mình đã tìm thấy con đường rồi. Con đường đó là phải sáng tạo, đổi mới.
Sau khi tìm thấy "con đường" rồi, anh tiếp tục chèo chống doanh nghiệp của mình đi trên con đường ấy như thế nào?
- Nhược điểm dễ nhận thấy nhất của dép lốp là trọng lượng khá nặng, tôi khắc phục điều này bằng cách khoét rãnh đế sâu hơn, kết hợp sử dụng những vật liệu khác ở những chỗ ít chịu mài mòn. Việc tìm được giải pháp tạo ra được đôi dép lốp nhẹ hơn cũng cho phép tôi tự do hơn trong việc sáng tạo kiểu dáng. Tôi bắt đầu làm ra được những mẫu dép lốp đế cao chứ không bị bó buộc trong kiểu dáng đế bệt nữa.
Quai dép cũng được cải tiến rất nhiều. Nếu sử dụng quai dép làm từ lốp như trước đây, khi đi trời mưa sẽ bị cao su phai màu ra, bám vào chân. Để khắc phục nhược điểm này tôi thay thế quai dép bằng cao su đúc. Giải pháp này vừa giúp khắc phục được tình trạng quai dép phai màu, vừa cho phép nhuộm màu theo ý muốn.
Với những cải tiến như trên, tôi cùng những người thợ thủ công đã làm ra được những mẫu dép vừa đa dạng về hình dáng, vừa phong phú về màu sắc.
Ngoài ra, tôi còn đến các siêu thị, lên mạng tìm hiểu xu hướng thời trang dép ở Việt Nam và trên thế giới để làm ra những mẫu dép lốp theo trend nữa, trend về hình dáng, trend về màu sắc…
Đôi dép lốp nặng như thế bây giờ trở nên nhẹ hơn rất nhiều; đôi dép lốp chỉ có đế bệt giờ có cả đế cao; đôi dép lốp chỉ có 1 màu đen bây giờ có rất nhiều màu; đôi dép lốp cổ điển, gắn với 1 giai đoạn lịch sử của dân tộc đã trở thành một đôi dép thời trang, theo trend… Đấy là những hình ảnh mà trước đây khi học nghề tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra được.
Những cải tiến như vậy đã giúp anh thành công trong việc bán hàng. Nhưng có vẻ như anh đang ngày càng xa rời nghề truyền thống?
- Vua Dép Lốp vẫn tiếp tục sản xuất những mẫu dép truyền thống như: mẫu dép Bác Hồ; mẫu dép Bác Giáp; mẫu dép Khe Sanh; mẫu dép Giải phóng quân. Đấy là những mẫu dép mang giá trị lịch sử và là một dòng sản phẩm riêng.
Tôi tự hỏi là sản phẩm làm ra từ lốp xe có khả năng cạnh tranh với dép da, dép nhựa, dép xốp bằng giá trị sử dụng của nó hay không? Tôi tin là có! Vì thế song song với việc duy trì sản xuất những đôi dép lốp mang giá trị lịch sử mình phát triển dòng sản phẩm mang giá trị đương đại, cạnh tranh với dép da, dép nhựa, dép xốp.
Theo tôi có 2 yếu tố tạo nên hồn cốt của nghề truyền thống làm dép lốp: thứ nhất là dép phải được làm ra từ lốp xe; thứ 2 là phải được làm thủ công. Tôi kiên quyết giữ 2 nguyên tắc trên trong việc tạo ra các sản phẩm của mình.
Những cải tiến như vậy đã giúp cho thương hiệu Vua Dép Lốp đạt được thành công?
- Vâng, đúng là vậy. Đến giờ, ngoài các showroom chính ở Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội) và ở Khu di tích tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Kim Liên (Nghệ An), Vua Dép Lốp còn mở được hàng chục shop bán hàng ở các sân bay và các địa điểm du lịch nổi tiếng, các trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường cao tốc… Một số nơi như: Nhật, Pháp, Trung Quốc còn có người mua sản phẩm của chúng tôi về để bán, họ mở các gian hàng bán dép lốp và hoạt động giống như các đại lý của chúng tôi.
Ở thời điểm trước khi diễn ra dịch bệnh, chúng tôi tiêu thụ được khoảng 30.000 đôi dép mỗi năm. Doanh số chưa phải là lớn so với các ngành nghề thủ công khác nhưng cũng là con số mà khi khởi nghiệp, mình chưa bao giờ dám nghĩ tới.
Như anh đã nói, ở thời của ông Phạm Quang Xuân, nghề làm dép lốp rất phát triển. Có lẽ rất nhiều người thợ làm dép lốp ở giai đoạn đó đến giờ vẫn còn sức lao động. Sự thành công của thương hiệu Vua Dép Lốp liệu có kích thích họ quay trở lại với nghề và khi đó liệu vị thế của Vua Dép Lốp có bị ảnh hưởng?
- Vâng, hiện tại có rất nhiều người, ở các làng nghề khác nhau vẫn đang làm dép lốp. Tôi không rõ có phải những thành công nhất định của Vua Dép Lốp đã thúc đẩy họ tiếp tục giữ nghề, làm nghề hay không nhưng tôi luôn ủng hộ những người thợ thủ công chân chính.
Tuy nhiên, trong đó có không ít người đã tìm cách làm nhái lại những mẫu dép do Vua Dép Lốp sáng tạo ra. Thế nhưng do không có được sự đầu tư bài bản, vì vậy sản phẩm làm nhái không đạt được sự tinh xảo cần thiết. Nếu đã từng mua, từng sử dụng sản phẩm của Vua Dép Lốp rồi có thể dễ dàng phân biệt đâu là sản phẩm thật, đâu là sản phẩm nhái.
Ở nước ngoài, cụ thể là ở Trung Quốc cũng có doanh nghiệp đã lấy thương hiệu Vua Dép Lốp để gắn lên sản phẩm của họ, bởi vì thương hiệu Vua Dép Lốp của tôi mới đăng ký bảo hộ độc quyền ở Việt Nam. Doanh nghiệp này họ đầu tư hẳn dây chuyền công nghiệp để sản xuất dép lốp. Họ nấu chảy cao su rồi đúc đế, đúc quai rồi luồn vào nhau để tạo ra một đôi dép hoàn chỉnh. Nói chung quy trình của họ gần giống với quy trình làm dép nhựa, chỉ giữ lại một công đoạn thủ công duy nhất là luồn quai vào đế dép. Những đôi dép được tạo ra theo cách như vậy thì đế dép không có được độ mút cần thiết để giữ chắc lấy quai. Để khắc phục điều đó, họ tạo ra ở phần quai đúc một mấu nhỏ. Đấy cũng chính là dấu hiệu trực quan nhất giúp khách hàng nhận ra đâu là hàng thật, đâu là hàng nhái. Chỉ cần lật đế dép, xem phần quai thừa thò ra là biết ngay.
Đấy là tôi kể những chuyện tôi biết thế thôi chứ tôi coi việc bị làm giả, làm nhái như trên là việc hết sức bình thường. Bởi vì có cạnh tranh mới có phát triển. Hơn nữa, khi hàng kém chất lượng hơn xuất hiện, người tiêu dùng mới biết được chất lượng thực sự của thương hiệu Vua Dép Lốp.
Như anh đã chia sẻ ở phần đầu cuộc nói chuyện là dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu Vua Dép Lốp, nhưng đến giờ, dịch bệnh cũng đã cơ bản được không chế, ngành du lịch cũng đã mở cửa trở lại, cuộc sống trong trạng thái "bình thường mới"đang dần hình thành. Trong bối cảnh đó, kế hoạch sản xuất, kinh doanh thời gian tới của Vua Dép Lốp thế nào?
- Trong lịch sử hoạt động của Vua Dép Lốp, có thời điểm chúng tôi đã bán được 14.000 đôi dép trong 1 tháng. Như đã nói ở trên, hiện giờ ngoài hoạt động bán hàng cho khách du lịch quốc tế đang dần được phục hồi, chúng tôi còn có nguồn khách hàng trong nước, ngoài ra, hoạt động bán hàng online cũng đang tiếp tục phát triển.
Vì những lý do trên, chúng tôi mạnh dạn đặt mục tiêu, từ khoảng giữa năm 2023 trở đi sẽ bán 20.000 đôi dép mỗi tháng.
Vua Dép Lốp đang có những hoạt động cụ thể gì để hướng đến mục tiêu trên?
- Năng lực sản xuất của Vua Dép Lốp hoàn toàn có thể đáp ứng được mục tiêu. Thách thức của chúng tôi là làm thế nào để có thêm ngày càng nhiều khách hàng chọn mua sản phẩm của Vua Dép Lốp. Để giải được bài toán này, chúng tôi đang tích cực thực hiện 2 hoạt động mang tính quảng bá sản phẩm.
Hoạt động thứ nhất là tổ chức các show trình diễn làm dép lốp, hoạt động thứ hai là xây dựng những bảo tàng dép lốp quy mô nhỏ, có thể di động được.
Nội dung cơ bản của show trình diễn làm dép lốp sẽ bao gồm tất cả các công đoạn để sản xuất ra một đôi dép lốp hoàn chỉnh. Các lực sĩ sẽ vần những chiếc lốp khổng lồ ra, sau đó nghệ nhân sẽ phá lốp, khoanh đế, đục lỗ, rút quai… để tạo nên một đôi dép lốp hoàn chỉnh ngay tại show diễn. Bên cạnh đó chúng tôi cũng sẽ trưng bày, trình diễn những đôi dép lốp tiêu biểu cho từng thời kỳ để người xem có thể tìm hiểu về lịch sử ra đời của những đôi dép lốp. Hiện nay chúng tôi đã gấp rút làm kịch bản. Dự kiến show diễn đầu tiên sẽ ra mắt công chúng vào dịp Quốc khánh 2/9 tới đây.
Tôi tin tưởng rằng show diễn sẽ gây được tiếng vang lớn, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới, giống như những show trình diễn làm guốc nổi tiếng ở Hà Lan.
Hoạt động thứ hai mà Vua Dép Lốp đang hướng tới là xây dựng những bảo tàng dép lốp quy mô nhỏ, có thể đóng gói và di động được.
Chúng tôi sẽ mang những bảo tàng đó trưng bày tại các lễ hội như Chùa Hương, Yên Tử chẳng hạn. Hoạt động trưng bày bảo tàng dép lốp sẽ kết hợp với việc bán hàng. Để sử dụng trèo đèo lội suối trong những chuyến hành hương thì tôi tin rằng không một loại dép nào, chất liệu dép nào phù hợp bằng dép lốp. Vì thế tôi tin tưởng rằng hoạt động này sẽ giúp chúng tôi bán được một lượng đáng kể sản phẩm.
Thông thường doanh nghiệp sẽ giấu kín kế hoạch marketing sản phẩm nhưng Vua Dép Lốp dường như lại muốn show ra tất cả? Phải chăng anh đang quá tự tin?
- Nói như vậy cũng có phần đúng. Để thực hiện những chiến dịch marketing như tôi vừa nói cần có rất nhiều thời gian. Chúng tôi cũng đã mất hàng năm để chuẩn bị cho những kế hoạch trên. Thế nên nếu bây giờ mới bắt đầu thì tôi tin rằng sẽ phải đi sau Vua Dép Lốp.
Hơn thế nữa, ngoài Vua Dép Lốp thì hoạt động sản xuất dép lốp vẫn còn khá manh mún, nhỏ lẻ. Với phương thức sản xuất như vậy thì chẳng ai nghĩ đến kế hoạch marketing cho sản phẩm của mình.
Các doanh nghiệp làm dép nhựa, dép da hay dép xốp cũng rất khó để thực hiện những chiến dịch marketing như tôi vừa trình bày. Vì mỗi kế hoạch marketing sẽ chỉ phù hợp cho một quy mô doanh nghiệp nhất định. Hơn nữa, khác với dép lốp, quy trình sản xuất sản phẩm của họ không phù hợp để trình diễn, sản phẩm của họ không có câu chuyện để kể giống như câu chuyện về những đôi dép lốp đã lưu truyền từ hàng chục năm nay.
Ngoài việc bán được nhiều sản phẩm hơn trong thời gian sắp tới, Vua Dép Lốp có dự kiến cho một tương lai xa hơn không?
- Tất nhiên là có chứ. Hiện tại, showroom thuộc khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh và showroom tại Khu di tích tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Kim Liên vẫn đang là những địa điểm bán được nhiều sản phẩm của chúng tôi nhất. Tức là phần lớn người mua dép lốp bởi vì nó gắn với câu chuyện lịch sử.
Việc tổ chức show trình diễn làm dép lốp hay các bảo tàng dép lốp di động cũng là nhằm quảng bá dép lốp thông qua câu chuyện lịch sử.
Ở tương lai xa hơn, chúng tôi mong muốn rằng tạo ra được những đôi dép lốp có thể có đời sống độc lập, dựa hoàn toàn vào giá trị sử dụng của nó để cạnh tranh sòng phẳng với dép da hay dép nhựa hay dép xốp. Khi đó, dép lốp sẽ có chỗ đứng ở siêu thị hay các trung tâm thương mại, những nơi mà chúng tôi không thể kể chuyện lịch sử về đôi dép lốp.
Cảm ơn anh Cường! Chúc anh và thương hiệu Vua Dép Lốp thành công trong chặng đường sắp tới!
Tags:
baotang,
bảo tàng,
Bảo tàng HCM,
dep,
dép,
depcaosu,
dép cao su,
deplop,
Hồ Chí Minh,
Phạm Quang Xuân,
shopee,
vua dép lốp
Tin tức khác:
- Lịch sử đặc biệt của đôi dép cao su bộ đội Cụ Hồ(24/03/2021)
- Chuyện về người vực dậy đôi dép lốp huyền thoại(20/03/2021)
- Kể chuyện nghệ nhân làm đôi dép cao su Bác Hồ(20/03/2021)
- Chuyện người hồi sinh những đôi dép lốp huyền thoại(19/03/2021)
- Đôi dép cao su: “Huyền thoại lịch sử” đi từ chiến tranh đến hiện đại(19/03/2021)
- Người đàn ông từ bỏ vị trí phó giám đốc về làm dép cao su Bác Hồ(19/03/2021)
- Đôi dép cao su Bác Hồ đi suốt dặm dài đất nước(19/01/2021)
- 1947(16/12/2020)
- 1954(16/12/2020)
- 1968(16/12/2020)
- 1975(16/12/2020)