-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Người kể câu chuyện của những đôi dép lốp
Đăng bởi Admin vuadeplop
Thứ Tue,
30/01/2024
Ảnh: T.L
Từ bỏ nghề kỹ sư công nghệ thông tin, một doanh nhân Việt quyết tâm đưa dép lốp thành di sản và bán ra thị trường nước ngoài.
Người kể câu chuyện của những đôi dép lốp
Năm 2014, ông Nguyễn Tiến Cường quyết định bán lại cổ phần công ty và bỏ nghề kỹ sư công nghệ thông tin để theo đuổi niềm đam mê của bố vợ. Ông Phạm Quang Xuân, bố vợ của ông Cường, một nghệ nhân dép lốp ở Hà Nội, được mọi người gọi là Vua dép lốp.
Kẻ gàn dở mê dép lốp
Con đường rẽ ngang của ông Cường bắt đầu từ hơn 10 năm trước, khi thấy bố vợ thỉnh thoảng mang đồ nghề ra ngồi kỳ cạch, gọt lốp, cắt quai, tỉ mẩn làm vài đôi dép tặng bạn bè. Ông Cường bắt đầu tò mò và tìm hiểu về công thức làm dép, lịch sử của những đôi dép lốp. Chàng “phò mã” từ đó say mê dép lốp và thuyết phục để được truyền nghề nhưng bị từ chối. Sau bức tâm thư gửi cho bố vợ để chứng tỏ lòng nhiệt huyết theo đuổi nghề, ông Xuân chấp nhận truyền nghề.
Sau khi thuyết phục được bố vợ, ông Cường đi tìm những người thợ từng làm ở xí nghiệp dép cao su và mời họ đến để ông Xuân kèm cặp, bổ sung tay nghề. Ông lợi dụng từng sự kiện của Hà Nội, cứ chỗ nào đông người là vác hòm đồ nghề đến, ngồi bệt ven đường hành nghề dép lốp nhằm thu hút sự chú ý của người qua đường.
Trong mắt nhiều người, ông Cường trở thành gã gàn dở khi viết thư tay gửi lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước bày tỏ nguyện vọng đưa dép cao su thành di sản và mở một gian hàng trưng bày trong khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Ở đó, ông bày bán những đôi dép được làm 100% từ lốp bỏ đi và 99% từ bàn tay người thợ.
Vượt qua thách thức
Đam mê dép lốp là một chuyện nhưng để những đôi dép lốp đến được với khách hàng là cả một câu chuyện dài mà nhiều lúc ông Cường tưởng mình phải gục ngã.
Ban đầu, ông làm dép lốp hoàn toàn bằng sự say mê không có định hướng nên dép làm ra không bán được. “Ban đầu, tôi nghĩ rằng dép lốp thì phải đúng những đôi như các cụ đã đi nhưng thực tế suốt nhiều năm, tôi không bán được dép. Thời điểm đó, tôi chưa biết làm marketing cho sản phẩm, trong khi nhiều người còn tưởng trên thị trường, dép cao su không còn nữa”, ông Cường nhớ lại.
Đứng trước nguy cơ "sập tiệm", ông quyết định làm "cách mạng" cho dép lốp. Ngoài 3 mẫu dép lốp lịch sử (dép Điện Biên Phủ, dép Khe Sanh, dép Bác Hồ), ông Cường còn mày mò làm ra hàng trăm mẫu khác nhau, nhiều kiểu dáng dép lốp hiện đại, nhiều mẫu dành cho khách hàng nữ thích thời trang và thuyết phục được cả đối tượng khách hàng quốc tế đến mua.
Hiện tại, cơ sở sản xuất dép lốp của ông Cường có khoảng 15 nhân công, đều là những người thợ giỏi tay nghề và có thể làm được 250 đế dép mỗi ngày, đáp ứng được mọi yêu cầu, mẫu mã của sản phẩm.
Để đảm bảo sản phẩm thủ công nhưng chất lượng luôn đồng đều, mỗi mẫu dép ông Cường đều có hồ sơ lưu trữ riêng, tạo thành chuẩn mực để thợ làm theo chính xác. Mỗi một mẫu nào đó mới ra, nếu quai hơi lỏng cần chỉnh lại, ông Cường sẽ sửa toàn bộ hồ sơ gốc.
Ông còn tự tạo ra một số loại máy móc, rút ngắn các công đoạn thủ công để tăng năng suất lao động. "Nhiều người nghĩ thủ công nghĩa là phải làm bằng tay hoàn toàn, đấy là lạc hậu. Tôi vẫn làm thủ công nhưng có sự sáng tạo, công việc nào lặp đi lặp lại thì để máy làm, như vậy sẽ hạn chế phụ thuộc vào con người".
Thách thức của chúng tôi là làm thế nào để có thêm ngày càng nhiều khách hàng chọn mua sản phẩm của Vua dép lốp. Để giải được bài toán này, ông Cường tích cực thực hiện 2 hoạt động mang tính quảng bá sản phẩm bằng việc tổ chức các show trình diễn làm dép lốp, hoạt động thứ 2 là xây dựng những bảo tàng dép lốp quy mô nhỏ, có thể di động được. Nội dung cơ bản của show trình diễn làm dép lốp sẽ bao gồm tất cả các công đoạn để sản xuất ra một đôi dép lốp hoàn chỉnh.
Show diễn được kỳ vọng sẽ gây được tiếng vang lớn, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới, giống như những show trình diễn làm guốc nổi tiếng ở Hà Lan.
Đưa dép lốp ra thế giới
Ông Nguyễn Tiến Cường, người kế nghiệp của Vua dép lốp, không từ bỏ bất kỳ cơ hội nào để đưa dép lốp ra thế giới. Mặc cho gia đình, bạn bè phản đối, ông Cường còn mang những đôi dép lốp đi tham dự nhiều triển lãm, đầu tư làm những thước phim kể chuyện lịch sử của từng đôi dép lốp trong các giai đoạn kháng chiến.
Ngoài các showroom chính ở Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội) và ở Khu di tích tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Kim Liên (Nghệ An), Vua dép lốp còn mở được hàng chục shop bán hàng ở các sân bay, địa điểm du lịch nổi tiếng, trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường cao tốc. Dép lốp của ông Cường còn được bán tại Nhật, Pháp, Trung Quốc.
Nhờ việc đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm với trên 30 mẫu dép lốp thủ công Made in Vietnam, hiện Vua dép lốp đã bán được khoảng hơn 30.000 đôi dép mỗi năm cho khách du lịch ở 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Doanh số thu được chưa phải là lớn nhưng đây là con số mà ông Cường chưa từng nghĩ tới từ khi khởi nghiệp với nghề dép lốp.
Tuy nhiên, Vua dép lốp vẫn tự tin đặt mục tiêu, từ khoảng giữa năm 2023 trở đi sẽ bán 20.000 đôi dép mỗi tháng. Trong lịch sử hoạt động của Vua dép lốp, có thời điểm Công ty bán được 14.000 đôi dép trong 1 tháng. Hiện tại, ngoài hoạt động bán hàng cho khách du lịch quốc tế khi thị trường đang dần phục hồi, Vua dép lốp có thêm nguồn khách hàng trong nước và hoạt động bán hàng online tiếp tục phát triển
Tin tức khác:
- Lịch sử đặc biệt của đôi dép cao su bộ đội Cụ Hồ(24/03/2021)
- Chuyện về người vực dậy đôi dép lốp huyền thoại(20/03/2021)
- Kể chuyện nghệ nhân làm đôi dép cao su Bác Hồ(20/03/2021)
- Chuyện người hồi sinh những đôi dép lốp huyền thoại(19/03/2021)
- Đôi dép cao su: “Huyền thoại lịch sử” đi từ chiến tranh đến hiện đại(19/03/2021)
- Người đàn ông từ bỏ vị trí phó giám đốc về làm dép cao su Bác Hồ(19/03/2021)
- Đôi dép cao su Bác Hồ đi suốt dặm dài đất nước(19/01/2021)
- 1947(16/12/2020)
- 1954(16/12/2020)
- 1968(16/12/2020)
- 1975(16/12/2020)