-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Người giữ nghề làm dép cao su
Đăng bởi Admin vuadeplop
Thứ Wed,
14/02/2024
-
Người giữ nghề làm dép cao su
(Baothanhhoa.vn) - Không ai nhớ chính xác đôi dép cao su có tự bao giờ, chỉ biết trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc, đôi dép này đã đồng hành cùng với người dân Việt Nam, với các anh bộ đội trên khắp các nẻo đường gian khó.
Từ nhiều năm nay, cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, rất nhiều các sản phẩm giày dép đa dạng về chất liệu, phong phú về mẫu mã khiến cho dép cao su không còn thịnh hành. Tuy nhiên, tại một ngôi nhà nằm trên đường Quang Trung, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa, có một người cựu chiến binh vẫn miệt mài giữ nghề với mong muốn lưu giữ lại cho đời chút dấu ấn của một thời chiến đấu hào hùng mà giản dị trong quá khứ.
Trái ngược với sự ồn ã, náo nhiệt của con phố kinh doanh sầm uất, đông người qua lại, nhộn nhịp mua bán, cơ sở sản xuất dép cao su của ông Lê Văn Dung lại nằm lặng lẽ, bình yên. Bên ngoài hiên, ông Dung tận dụng bày bán hàng trăm đôi dép cao su với đủ mọi kiểu dáng từ dép xỏ ngón, dép “xì pô”, dép quai hậu … với nhiều kích cỡ dành cho trẻ em và người lớn. Chốc chốc, một vài người khách ghé lại ngắm nhìn rồi lựa chọn cho mình một đôi ưng ý. Phía bên trong, phòng khách của gia đình với diện tích rộng khoảng 15 m2 được sử dụng làm nơi sản xuất. Ở đó, la liệt những cuộn lốp dày mỏng khác nhau hay các miếng cao su đã được cắt nhỏ cùng hai chiếc máy cắt đã cũ mèm nơi góc nhà, vài ba vật dụng đơn giản như dao, đục, đá mài được xếp ngăn nắp trong chiếc thùng gỗ nhỏ.
Người đàn ông đã đã ngoài 60 tuổi nhưng đôi bàn tay vẫn còn rắn chắc và khéo léo liên tiếp đưa lưỡi dao sắc bén chạy những đường cong theo nét bút chì đã vẽ sẵn để tạo hình đế dép, sau đó lại thoăn thoắt miết sâu rãnh thoát nước, đục lỗ, xâu những chiếc quai mềm mại đã vuốt sẵn vào lớp đế… Từng động tác cứ diễn ra nhịp nhàng mà dứt khoát, khiến cho mỗi miếng cao su trơ cứng chẳng mấy chốc đã trở thành một đôi dép bóng mịn và chắc chắn. Theo ông Dung, vào quai là công đoạn khó nhất khi làm những đôi dép cao su. Ngoài yêu cầu về độ cong, mềm, trơn nhẵn của quai dép thì kĩ thuật xâu quai vào đế dép cũng rất quan trọng. Với công đoạn này, người thợ phải liên tục căn chỉnh, ướm thử vào chân, đến khi nào cảm thấy vừa vặn, êm ái mới đạt yêu cầu.
Gặp chúng tôi, được trải lòng về nghề, ông Dung luôn nở nụ cười thân thiện rồi trầm ngâm chia sẻ: Nghề này đơn sơ lắm chứ chẳng có gì cao siêu, phức tạp đâu. Nguyên liệu duy nhất là cao su, đồ nghề chế tác cũng sơ sài. Tuy nhiên, để cho ra được 1 đôi dép hoàn chỉnh, người thợ phải gia công nhiều công đoạn tỉ mỉ như: Dùng máy cắt cơ giới pha nhỏ từng cuộn cao su, tiếp đến là cắt đế, chuốt quai, đục lỗ xâu quai dép… Muốn làm nên những đôi dép bền, đẹp, ông phải lựa chọn kỹ nguyên liệu, đó phải là lốp máy bay và xe tải hạng nặng ở vùng đất mỏ tỉnh Quảng Ninh mới đảm bảo độ dày và dai chắc cần thiết mà không phải những chiếc lốp ô tô thông thường như tôi vẫn nhầm tưởng
Kí ức trở về, trên nét mặt ông Dung chợt như thấp thoáng có niềm vui, giọng nói lúc này không còn trầm lặng nữa mà thay vào đó là những câu chuyện được nối tiếp nhau thấy rõ sự hào hứng. Ngày ấy, cách đây cả nửa thế kỉ, dọc tuyến đường 1A đoạn qua tiểu khu Ba Đình, nay là phường Ngọc Trạo, có tới hàng chục nhà chuyên sản xuất dép đúc. Mỗi thành viên trong gia đình đều trở thành người thợ lành nghề ngày đêm miệt mài chế tác. Những cậu bé trong xóm sau mỗi buổi đến trường lại rủ nhau lân la học nghề. Đầu tiên cũng chỉ là những thao tác đơn giản, vừa học vừa chơi, rồi cũng chẳng mấy chốc, chúng trở thành những người thợ “nhí” thực hiện được cả nhiều công đoạn khó. Từ những năm bao cấp, loại dép này rất được ưa chuộng bởi ưu điểm nổi bật ở độ bền, ma sát tốt, ít trơn trượt, không ngấm nước… phù hợp với những con đường khó.
Cho đến giờ, cả mấy chục năm làm thợ, ông Dung cũng đã sống trọn với những thăng trầm của nghề. Sau ngày đất nước đổi mới, có những giai đoạn tưởng chừng cái nghề thủ công này không thể tồn tại, sản phẩm làm ra vấp phải những khó khăn trong vấn đề cạnh tranh với những sản phẩm chất liệu khác có thế mạnh về mẫu mã, hình thức bắt mắt tràn ngập trên thị trường. Cũng có nhiều năm, người tiêu dùng quay trở lại với loại dép truyền thống, giúp nó phát triển mạnh mẽ rộng khắp cả nước và xuất bán sang nước bạn Lào. Nhưng đến thời điểm này, sự thịnh hành của nó đã qua. Cả tuyến phố hàng trăm con người trước đây sống bằng nghề làm dép cao su thì nay chỉ còn duy nhất mình ông Dung bền bỉ với nghề. Đối với ông, làm dép cao su không đơn giản chỉ là một nghề mang lại giá trị kinh tế cho gia đình mà cao hơn nữa, đó là niềm đam mê, là tình yêu nghề âm ỉ cháy như một phần của cuộc sống của người cựu chiến binh già. Ánh mắt chợt như lấp lánh niềm vui, ông nói: Cho dù có khó khăn thế nào đi nữa thì tôi vẫn kiên quyết giữ nghề. Tôi làm dép không phải chỉ để bán mà còn để dành tặng những người bạn, nhất là những đồng đội cũ từng vào sinh ra tử trong chiến trường năm xưa để cùng nhau nhớ về một thời đồng cam cộng khổ trong quá khứ.
Nhìn ông Dung tỉ mỉ cắt gọt, chau chuốt những chi tiết nhỏ cho từng sản phẩm trên tay, chúng tôi mới cảm nhận hết sự nhiệt huyết, tình yêu nghề sâu đậm qua lời tâm sự như trút nỗi lòng của người thợ già: “Khi nào còn sức khỏe, tôi sẽ vẫn còn tiếp tục sống với nghề vì những đôi dép sao su giản dị này là một phần cuộc sống của tôi, cho tôi trở về với những tháng năm tuổi trẻ trong chiến đấu, gian khổ mà can trường, hi sinh mà lạc quan, bất khuất”.
Tags:
baotang,
bảo tàng,
Bảo tàng HCM,
dep,
dép,
depcaosu,
dep cao su,
dép cao su,
deplop,
Hồ Chí Minh,
Phạm Quang Xuân,
shopee,
Vua dép lốp
Tin tức khác:
- Lịch sử đặc biệt của đôi dép cao su bộ đội Cụ Hồ(24/03/2021)
- Chuyện về người vực dậy đôi dép lốp huyền thoại(20/03/2021)
- Kể chuyện nghệ nhân làm đôi dép cao su Bác Hồ(20/03/2021)
- Chuyện người hồi sinh những đôi dép lốp huyền thoại(19/03/2021)
- Đôi dép cao su: “Huyền thoại lịch sử” đi từ chiến tranh đến hiện đại(19/03/2021)
- Người đàn ông từ bỏ vị trí phó giám đốc về làm dép cao su Bác Hồ(19/03/2021)
- Đôi dép cao su Bác Hồ đi suốt dặm dài đất nước(19/01/2021)
- 1947(16/12/2020)
- 1954(16/12/2020)
- 1968(16/12/2020)
- 1975(16/12/2020)