Nghệ nhân Phạm Quang Xuân và câu chuyện những đôi hài vạn dặm

Đăng bởi Phương Như
Thứ Wed,
24/03/2021

(VOV5) - Có một kỷ vật ở Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh khiến nhiều khách trong nước và quốc tế cảm động, đó là đôi dép làm từ lốp cao su cũ được Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng nhiều năm trong cuộc đời mình.

Cùng với bộ trang phục giản dị, đôi dép cao su ấy đã trở thành biểu tượng về đức tính khiêm nhường, giản dị của vị lãnh tụ  gần gũi với nhân  dân. Những đôi dép cao su như thế này cũng đã theo các chiến sỹ trong suốt hai cuộc trường kỳ  kháng chiến cứu nước. Tưởng như những đôi dép ấy chỉ còn thấy trong Viện bảo tàng, thì giờ đây lại xuất hiện trở lại qua đôi bàn tay của người thợ Phạm Quang Xuân.
 

Nghệ nhân Phạm Quang Xuân và câu chuyện những đôi hài vạn dặm - ảnh 1
Nghệ nhân Phạm Quang Xuân đo kích thước để làm một đôi dép cao su size 39



Mới đây, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh ( số 19 Ngọc Hà, Hà Nội), nghệ nhân Phạm Quang Xuân đã có màn trình diễn làm lại đôi dép cao su của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước sự chứng kiến của đông đảo du khách tham quan. Chỉ trong vòng 30 phút, người xem được chứng kiến nghệ nhân Phạm Quang Xuân làm hoàn chỉnh đôi dép làm từ lốp cao su cũ gồm hai quai chéo phía trước rộng khoảng hai ngón tay và một quai hậu. Theo lời ông Phạm Quang Xuân, Đôi dép cao su của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước đây được làm từ chiến lợi phẩm chiếc lốp xe ô tô hiệu "Michelin" của Pháp nên rất bền. Đôi dép ấy từng theo chân Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đến nhiều địa phương đất nước, đi thăm các quốc gia bạn, như tại Ấn Độ. Nhiều người Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh cũng từng sử dụng dép cao su bởi sự tiện dụng đi trong mọi thời tiết, chịu được cả nắng, mưa của nó. Có lẽ cũng chính bởi sự tiện lợi, ôm chân, mềm mại, thoái mái khi sử dụng...mà đến nay nhiều người vẫn thích sử dụng dép cao su, nhất là khách du lịch nước ngoài. Xuất phát từ nhu cầu đó, gia đình nghệ nhân Phạm Quang Xuân đã quyết định mở lại cơ sở sản xuất lại những mặt hàng đặc biệt này. Để tìm hiểu về những đôi dép ấy, chúng tôi đã tìm đến xưởng sản xuất, đồng thời cũng là nhà của ông Phạm Quang Xuân nằm trong một con ngõ nhỏ trên phố Nguyễn Biểu, Hà Nội. Trên ban công tầng hai ngôi nhà, người nghệ nhân già tuổi đã ngoài 70, dáng người nhỏ bé, đang lên quai cho những đôi dép. Kiên trì theo đuổi nghề từ nhỏ, ông hiểu rõ những giai đoạn phát triển nghề của gia đình: “Nghề làm dép cao su là nghề gia truyền của gia đình tôi. Tôi kế nghiệp từ năm 1968. Dép làm từ lốp ô tô này thì có từ lâu đời rồi. Từ lúc tôi còn bé, quãng những năm 40, đã có người bắt đầu làm dép, nhưng lúc bấy giờ còn ít chứ chưa phổ biến như sau này".

Đối với gia đình nghệ nhân Hà thành này, mỗi sản phẩm được làm ra không chỉ là một đôi dép đơn thuần mà nó còn mang trong đó cả ý nghĩa lịch sử và xã hội. Con rể nghệ nhân Phạm Quang Xuân là ông Nguyễn Tiến Cường đã rời hẳng vị trí là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và Phó Giám đốc một công ty phần mềm kế toán để có thể toàn tâm toàn ý theo đuổi và phát triển nghề gia đình, cho biết: "Các sản phẩm này được làm hoàn toàn thủ công, ra đời trong thời kỳ kháng chiến gian khó của đất nước. Ngoài ra nó còn mang ý nghĩa về mặt môi trường vì được tái chế trực tiếp từ những sản phẩm phế thải". 

Chính nhờ sự say mê với những đôi dép mộc mạc, nhưng gắn liền với lịch sử ấy, mà ông Cường đã đổ công sức tìm tòi khắp các bảo tàng, các kho tư liệu để thu thập hình ảnh về đôi dép lốp trong từng thời kỳ và nhờ đôi bàn tay tài hoa của bố vợ mình khôi phục chúng. Dép lốp "Trận chiến Điện Biên Phủ", dép lốp "Hồ Chí Minh", dép cao su thanh niên xung phong chống xác bom... đó là tên gọi những đôi dép đã gắn liền với các giai đoạn lịch sử chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. Bà Thoa, một cựu thanh niên xung phong thời kỳ chiến tranh, nhớ lại: "Thanh niên xung phong thời ấy chỉ được trang bị dép cao su để làm nhiệm vụ. Đôi dép lốp bao giờ cũng có bốn quai, ba quai đan chéo nhau ở mu bàn chân và một quai phía sau. Đi dép cao su rất là thích bởi vì nó thoáng, mát. Ở dưới đế có khía các đường rãnh nhỏ để bám đường rừng, núi. Loại dép này còn giúp tránh được vắt, sên và cả các mảnh bom vì đế dép rất dày nên khó bị thủng, bị cháy. Khi hành quân sẽ hạn chế được việc tổn thương đôi chân".

Điều đặc biệt hơn nữa là từ năm 2012, mỗi đôi dép do gia đình ông Xuân làm ra lại được khắc vào lòng dép hình ảnh bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Về cơ duyên ra đời của ý tưởng này, ông Xuân cho biết: "Tình cờ có khách du lịch nước ngoài biết và tìm đến nhà tôi để đặt làm một đôi dép. Khi làm xong thì họ đề nghị tôi khắc một hình kỷ niệm để nhớ về Việt Nam. Lúc bấy giờ tôi nghĩ ngay ra hình ảnh bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hình ít thôi nhưng mà nói được nhiều. Họ thích lắm. Từ chỗ một người thích đó thì nhiều người thích".

Về phần mình, anh Cường đã nhanh chóng nắm bắt ý tưởng này để phát triển thành thương hiệu riêng của gia đình: "Thực ra cũng có một số tranh cãi rằng tại sao lại để bản đồ dưới đôi dép như vậy. Tôi cũng đã hỏi han, tìm hiểu và thấy rằng để bản đồ như vậy hoàn toàn phù hợp vì đây là lãnh thổ Việt Nam và chúng ta đang đi trên lãnh thổ của chúng ta. Đặc biệt khi chúng ta đi đôi dép ra thế giới thì cũng là để khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Tôi hy vọng mỗi người nước ngoài khi đến Việt Nam sẽ biết đến đôi dép cao su đầu tiên và khi về nước, họ sẽ kể câu chuyện về Việt Nam thông qua chính đôi dép này".

Trong vòng 5 năm qua đã có hơn 8000 đôi dép của gia đình nghệ nhân Phạm Quang Xuân đến tay hơn 2000 khách hàng sống trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Những đôi dép cao su, mà nhiều người còn gọi vui là « những đôi hài vạn dặm » làm từ lốp ô tô cũ mang trên mình hình dáng và cả chiều dài lịch sử đất nước tiếp tục theo chân người Việt và bạn bè quốc tế ra khắp năm châu để kể cho nhân loại nghe câu chuyện bình dị mà phi thường của người dân sống trên dải đất hình chữ S.

https://vovworld.vn/vi-VN/viet-nam-dat-nuoc-con-nguoi/nghe-nhan-pham-quang-xuan-va-cau-chuyen-nhung-doi-hai-van-dam-279944.vov
zalo chat 0989.530.530 zalo chat 0989.22.34.22
popup

Số lượng:

Tổng tiền: