Hà Nội: Sách, vở, đồ dùng học tập tăng giá mạnh giữa mùa dịch

Đăng bởi Nu Online
Thứ Mon,
06/09/2021

Do không được coi là mặt hàng thiết yếu nên từ nửa tháng qua, sách, vở, đồ dùng học tập… liên tục tăng giá, thậm chí gấp đôi so với mùa tựu trường năm ngoái giữa lúc Hà Nội trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Chị Thu Nga (Hoàng Mai, Hà Nội) 2 tháng nay nghỉ ở nhà vì dịch. Chị Nga đặt sách giáo khoa và vở mua ở trường cho con chị nhưng do giãn cách nên nhà trường chưa thể giao cho các phụ huynh. Lo lắng vì con phải vào năm học mới, chị Nga chạy nhiều cửa hàng sách nhưng đều đóng cửa vì dịch và các cửa hàng chỉ nhận bán online. Khi đặt mua, chị Nga giật mình vì giá từ sách, vở cho đến đồ dùng học tập như bút, thước kẻ đều tăng giá mạnh, thậm chí gấp đôi so với năm ngoái.

“Vở kẻ ngang bình thường có 8.500 đồng/cuốn loại 80 trang nay 15.000 đồng/cuốn. Vở 300 trang A4 cũng tăng lên 54.000/cuốn trong khi lúc trước khi có dịch là 35.000 đồng/cuốn. Vở ô li trước 5.000- 6.000 đồng/cuốn nay tăng lên 120.000 đồng/10 cuốn”, chị Nga nói.

Còn chị Ngọc Thu (Đống Đa, Hà Nội) cũng tốn tiền triệu mua bộ sách giáo khoa cho con học lớp 4 cùng đồ dùng học tập.

“Do nhà trường không kịp giao sách cho các cháu nên gia đình phải đặt mua ở ngoài. Từ sách giáo khoa cho đến vở, bút đều tăng mạnh. Cụ thể, compa nhãn hiệu Dely của Trung Quốc chỉ 34.000 đồng thì nay lên 45.000 đồng/chiếc. Các loại bút máy nét hoa, bút bi, bút nước, bút dạ... của Hồng Hà, Thiên Long, Bến Nghé... được các cửa hàng tăng giá bán từ 20-30% so với năm ngoái. Tình hình dịch bệnh khó khăn mà cái gì cũng tăng giá khiến gia đình tôi phải chắt bóp chi tiêu sinh hoạt hằng ngày nhưng dù tăng giá vẫn phải cố gắng mua đầy đủ cho các con đảm bảo việc học tập”, chị Thu cho hay.

Theo các nhà xuất bản, năm nay sách giáo khoa đã tăng giá 16,9% so với năm 2020 do giá nhiên liệu và chi phí sản xuất tăng. Mức tăng giá này được áp dụng cho tất cả các loại sách giáo khoa và sách bổ trợ do NXB Giáo dục phát hành trong năm 2021, nộp lưu chiểu từ tháng 1/2021.

Các ấn bản in xong và nộp lưu chiểu vào tháng 8/2020 trở về trước vẫn giữ giá cũ. Người tiêu dùng khi mua sách giáo khoa nên để ý năm nộp lưu chiểu để mua đúng giá, tránh bị thiệt thòi trong trường hợp cửa hàng dán giá mới chồng lên giá cũ.

Cùng với sách giáo khoa, các loại sách tham khảo khác cũng theo đà tăng giá và xuất hiện với rất nhiều "phiên bản" giống nhau. Một cuốn sách tham khảo có giá từ 20 nghìn đồng đến gần 100 nghìn đồng/quyển.

Còn các nhà sách bán lẻ cho biết, so với năm ngoái, giá giấy vở học sinh đã tăng trên 20%, giá bìa tăng khoảng 30%. Với mặt hàng giấy vở, giá giấy chiếm tới trên 80% giá thành, do đó, giá giấy tăng là nguyên nhân khiến nhiều công ty văn phòng phẩm đã tăng thêm giá bán sản phẩm từ 10-15%.

Ngoài ra, trên thị trường, giá các sản phẩm như cặp, balô, túi xách học sinh hiện cũng đã tăng từ 25-35%.

Ngoài việc tăng giá bán khiến phụ huynh tá hoả, nhiều gia đình còn khổ sở vì đặt online nhưng nhiều ngày mới nhận được. Thậm chí, ra cửa hàng mua bút, vở như mua hàng "cấm" vì bị cho là không phải mặt hàng thiết yếu.

Anh Nguyễn Hoan (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, do chờ sách giáo khoa về lâu không kịp cho con học ngày hôm nay (6/9) nên tôi phải xin sách cũ của các phụ huynh khác trong toà nhà.

Anh Hoan chia sẻ: "Chưa bao giờ tôi thấy việc mua bán sách giáo khoa và đồ dùng học tập khó như năm nay. Dù đặt online nhưng chờ 3 ngày vẫn chưa thấy đâu. Các cửa hàng đồ dùng học tập nhỏ lẻ bên ngoài không dám bán vì dịch nên gia đình không biết đi đâu mua đồ. Năm nay, học sinh thiệt thòi đủ đường".

zalo chat 0989.530.530 zalo chat 0989.22.34.22
popup

Số lượng:

Tổng tiền: