Giá dầu vượt 80 USD, thị trường hàng hoá sẽ xoay vần như thế nào?

Đăng bởi Nu Online
Thứ Thu,
14/10/2021

Nhóm kim loại sẽ chịu tác động mạnh nhất khi giá dầu tăng, một phần do nhiên liệu chiếm 50% chi phí sản xuất kim loại, một phần vì các nước sẽ tìm giải pháp nặng lượng mới, vốn yêu cầu nhiều kim loại để sản xuất.

Giá dầu thế giới đã tăng liên tục từ đầu năm 2021 tới nay, hiện quay trở lại vùng giá cao kỷ lục trên 80 USD/thùng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thị trường năng lượng, mà sẽ tạo ra tác động trên diện rộng đối với thị trường tài chính, hàng hoá nói chung.

Trong lịch sử, đã có 2 lần giá dầu thô vượt qua vùng 80 USD/thùng. Lần đầu là giai đoạn tháng 9/2007 đến tháng 10/2008, tiếp theo là giai đoạn tháng 9/2010 đến tháng 10/2014. Đặc điểm chung của các thời kỳ này là nhu cầu tăng mạnh vượt lên trên khả năng đáp ứng của các nước sản xuất. Tuy nhiên, câu chuyện về xu hướng tăng của giá dầu năm nay rất khác biệt và theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), “cú sốc giá” này đã phần nào được dự đoán từ trước.

Cuộc khủng hoảng đã được tiên đoán trước

Nhìn vào sơ đồ dưới đây, có thể thấy trong các giai đoạn trước, sản lượng dầu trên thế giới thiếu hụt đến mức dù OPEC đã đưa công suất dự phòng vào hoạt động, lượng dầu tăng thêm cũng không đủ để giải quyết tình trạng thiếu hụt trên thị trường. 

Chỉ đến khi ngành công nghiệp dầu đá phiến bùng nổ tại Mỹ vào cuối năm 2014, đưa Mỹ trở thành quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới, năng lực sản xuất dầu trên thế giới mới được cải thiện, và góp phần hạ nhiệt giá dầu. Sự thay đổi của công nghệ đã tạo ra kỳ vọng các nước sản xuất từ giờ sẽ có khả năng phản ứng kịp thời mỗi khi nhu cầu thúc đẩy giá dầu tăng, giữ cho dầu ở mức ổn định.

Giá dầu vượt 80 USD, thị trường hàng hoá sẽ xoay vần như thế nào? - Ảnh 1.

Trái với kỳ vọng này, dù nhu cầu dầu thế giới đã quay trở về sát ngưỡng 100 triệu thùng/ngày như trước đại dịch COVID-19, nguồn cung lại không có sự điều chỉnh tương ứng. Trong Báo cáo Triển vọng Năng lượng ngắn hạn do Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) phát hành vào đêm 13/10/2021, tiêu thụ dầu thế giới trong quý IV năm nay dự báo sẽ đạt 99.98 triệu thùng/ngày, dựa vào kỳ vọng nhu cầu đi lại sẽ tăng lên khi nền kinh tế hồi phục sau đại dịch. 

Theo EIA, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vẫn còn công suất dự phòng gần 5 triệu thùng/ngày chưa đi vào hoạt động. Trong khi đó, các công ty dầu tại Mỹ cũng không hề có ý định gia tăng sản lượng bất chấp giá dầu Brent trên sở ICE EU hiện đạt 83,18 USD/thùng, tăng 60,5% so với đầu năm; và giá dầu WTI trên sở NYMEX đã đạt 80,44 USD/thùng, tăng 65,7%.

Thực chất, vấn đề này đã được giới phân tích cảnh báo từ đầu năm, khi giá dầu còn duy trì ở vùng 50 USD/thùng. Cuộc vận động nhằm chuyển dịch sang năng lượng xanh của các chính phủ càng khiến cho vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn: khi đầu tư và trợ cấp cho các dự án năng lượng tái tạo tăng, đầu tư dành để bảo dưỡng và phục hồi sản lượng giảm xuống mức thấp kỷ lục trong nhiều năm. Các ngân hàng lớn như Goldman Sachs cũng liên tục nâng dự báo giá dầu từ 70 USD, lên 80 USD, và hiện nay đang dự báo ở mức 90 USD/thùng vào quý IV năm nay.

Giá dầu tăng và hiệu ứng lên toàn bộ các thị trường khác

Hiện tại, tác động của việc giá dầu tăng mạnh được thể hiện rõ nhất qua các chỉ số về lạm phát. Đây là một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy lạm phát tại châu Âu trong tháng 9 tăng lên mức 3.4%, vượt lạm phát mục tiêu ở mức 2%. Trong khi đó, Oxford Economics dự báo giá năng lượng sẽ thúc đẩy tỷ lệ lạm phát tại Mỹ trong cuối năm nay lên mức 5.1%, vượt xa mục tiêu 2% mà Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đề ra.

Ngoài ra, chi phí cho năng lượng là một trong những khoản khó cắt giảm nhất, do đó khi giá nhiên liệu tăng, người tiêu dùng sẽ buộc phải cắt giảm các khoản chi dành cho hàng hoá khác. Mặt khác, lạm phát cao sẽ buộc các ngân hàng trung ương cắt giảm gói hỗ trợ tiền tệ, tạo ra tác động kép đến nền kinh tế thế giới. Mới đây, trong báo cáo Tổng quan Kinh tế thế giới tháng 10, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ triển vọng tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2021 từ 6% xuống 5.9%, với một trong những nguyên nhân chính là do đà tăng phi mã của giá năng lượng, bao gồm cả dầu, than, khí đốt.

Giá dầu vượt 80 USD, thị trường hàng hoá sẽ xoay vần như thế nào? - Ảnh 2.

Đối với thị trường hàng hoá, tác động của giá dầu sẽ trở nên rõ rệt đối với nhóm hàng kim loại. Giá dầu tăng thường sẽ khiến cho dòng tiền của giới đầu tư đổ vào thị trường hàng hoá, như một biện pháp để phòng tránh lạm phát, thúc đẩy giá tăng trên thị trường. Một mặt, nhiên liệu có thể chiếm đến 50% chi phí sản xuất đối với các mặt hàng kim loại, như đồng, sắt, nhôm, do đó có thể thúc đẩy đà tăng trên cả thị trường tương lai lẫn thị trường hàng vật chất trong ngắn hạn. 

Mặt khác, giá cả nhiên liệu hoá thạch tăng có thể khiến cho các nước như khối EU tìm đến các giải pháp dài hạn hơn, như gia tăng sử dụng các sản phẩm năng lượng sạch. Điều này sẽ khiến giá các kim loại cần thiết để chế tạo các sản phẩm pin, điện như đồng, bạch kim được hỗ trợ trong dài hạn.

Giá dầu vượt 80 USD, thị trường hàng hoá sẽ xoay vần như thế nào? - Ảnh 3.

Doanh nghiệp trong nước và bài toán bảo hiểm rủi ro

Việc giá dầu thế giới tăng mạnh đang gây ra rất nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu trong nước. Tại kỳ điều chỉnh ngày 11/10 vừa qua, giá xăng tiếp tục tăng mạnh lên gần 23.000 đồng/lít, mức cao nhất trong vòng 7 năm. Giá nhiên liệu tăng trong bối cảnh nền kinh tế đang nỗ lực hồi phục sau đại dịch Covid-19 sẽ đặt ra bài toán khó đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xăng dầu và vận tải.

Trong bối cảnh này, vai trò của nghiệp vụ quản trị rủi ro bằng các hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng hoán đổi đang được đề cao. Kể cả đối với các doanh nghiệp nhỏ, bảo hiểm rủi ro vẫn có thể thực hiện với các hợp đồng WTI mini và Brent mini, với mức ký quỹ nhỏ hơn nhiều so với hợp đồng tiêu chuẩn, nhưng vẫn mang lại hiệu quả bảo hiểm tương đương.

Doanh nghiệp sẽ phải chịu rất nhiều rủi ro nếu thả nổi giá đầu vào theo sự bấp bênh trên thị trường thế giới. Theo số liệu từ Trung tâm Thanh toán Bù trừ MXV, khối lượng giao dịch các mặt hàng năng lượng liên thông với thế giới tại Việt Nam hiện nay chỉ ở trong khoảng 1.500 – 2.500 tỷ đồng mỗi phiên. Trong khi đó, trên thế giới, hàng ngày có khoảng 1 triệu hợp đồng được giao dịch với giá trị lên đến nhiều tỷ USD. Tác động của thị trường Việt Nam tới thế giới là rất hạn chế, nên việc phòng ngừa rủi ro là điều các doanh nghiệp cần phải đặc biệt chú trọng trong thời gian tới.

zalo chat 0989.530.530 zalo chat 0989.22.34.22
popup

Số lượng:

Tổng tiền: