-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Đôi dép Bác Hồ nguồn cảm hứng thi ca
Đăng bởi Admin vuadeplop
Thứ Sat,
17/04/2021
Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nguồn cảm hứng lớn cho văn chương nghệ thuật cách mạng Việt Nam. Bởi lẽ, từ những điều bình dị của cuộc đời Người nhưng đã mang lại một vẻ đẹp tiêu biểu cho phẩm chất cộng đồng, kết tinh thành giá trị văn hóa và sức mạnh của cả dân tộc. Hình tượng đôi dép cao su mà Bác Hồ mang suốt cuộc trường chinh gian khổ qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cho đến ngày qua đời đã trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp giản dị, thanh cao, minh chứng hùng hồn cho sự hiến dâng vì Tổ quốc và lý tưởng cách mạng của Người.
Thấu hiểu sâu sắc nỗi lòng của Bác, nhà thơ Hải Như trong bài Đâu chỉ vì giản dị đã khái quát tình cảm cao đẹp của Người trước cuộc đời còn lắm những trẻ em “chưa có đủ giày đi”. Ngoài phẩm chất giản dị vốn trở thành đặc trưng ở tâm hồn, Bác còn thể hiện nỗi đau đời trước những bất công, luôn cúi xuống đỡ nâng những mảnh đời bất hạnh:
Bác Hồ đi dép cao su
Đâu chỉ vì giản dị
Mà vì lẽ cao hơn
Ta lười nghĩ chẳng tìm thêm
Khi trái đất này còn những trẻ em
Chưa có đủ giày đi
Người không sao sống khác.
(Đâu chỉ vì giản dị – Hải Như)
“Người không sao sống khác” là một thái độ và hành động dứt khoát. Chính điều tưởng chừng đơn sơ và giản dị ấy đã đưa Người tìm đến với chủ nghĩa Mác – Lênin để tìm ra con đường giải phóng cho tầng lớp cần lao. Trong suốt năm tháng can trường gian khổ đấu tranh cho nước nhà độc lập, thống nhất, đôi dép cao su đã theo Bác đi qua bao nẻo đường đất nước hành quân:
Đôi dép của Người mòn vẹt gót
Người đã đi khắp ngả đường đất nước hành quân.
(Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm)
Bác Hồ về thăm quê Kim Liên, Nghệ An năm 1961 (Ảnh tư liệu).
Cảm động hơn, có một bài thơ mà sau này đã phổ thành ca khúc được nhân dân ta hát suốt bao nhiêu năm qua chính là thi phẩm Đôi dép Bác Hồ. Bài thơ không những kể lại hình tượng đôi dép cao su đã theo chân Bác suốt hai cuộc trường chinh cứu nước, đi thăm những ruộng đồng, nhà máy, xóm làng, phố thị mà nó nâng lên thành tư tưởng dẫn đường cho cả dân tộc theo đi. Lời thơ đã hay, âm nhạc càng da diết, nhờ đó Đôi dép Bác Hồ đã ám ảnh vào tâm trí người đọc, người nghe với niềm xúc động hết sức thiêng liêng:
Dép Bác, đôi dép cao su
Bác đi từ ở chiến khu Bác về
Phố phường, trận địa, nhà máy, đồng quê
Đều in dấu dép Bác về Bác ơi
Dép này Bác trải đường dài
Đã cùng Bác vượt chông gai
Xây non nước nhà
Đường đi chiến đấu gần xa
Đôi dép Cha già dẫn lối con đi.
(Đôi dép Bác Hồ – Tạ Hữu Yên)
“Đôi dép Cha già dẫn lối con đi” từ con đường trên mặt đất cần lao đến con đường của tư tưởng cứu nước cứu dân, con đường của tình cảm thiết tha và luôn yêu quý mọi người. Với Bác, sống khiêm nhường, tận hiến là trách nhiệm, là ý nghĩa đích thực mà mỗi chúng ta cần luôn vươn đến. Vẻ đẹp tâm hồn “nâng niu tất cả chỉ quên mình” ấy càng bộc lộ sâu lắng hơn qua từng bước chân của Người trên chính đôi dép cao su suốt hơn 20 năm theo mình bôn ba việc nước. Lắng đọng tâm tình, nhà thơ Hải Như vọng tưởng từ trái tim mình qua âm thanh đôi dép Bác Hồ như kể rõ với chúng ta về công ơn trời biển:
Đôi dép lốp như cùng ta kể rõ
Người quên người dành hết thảy cho ta.
(Chúng con canh giấc ngủ, Bác Hồ ơi! – Hải Như)
Chính tình cảm cao đẹp, phẩm chất giản dị, suốt cuộc đời mình chỉ có một ham muốn là làm cho nhân dân có cơm ăn áo mặc, được học hành như là mục đích sống duy nhất, Bác Hồ đã để lại trong thẳm sâu tâm hồn bao thế hệ những cảm xúc suy tư sâu lắng. Nhà thơ Tố Hữu rưng rưng xúc động khi nghĩ về đôi dép cao su bình dị gắn bó với cuộc sống của Người:
Còn đôi dép cũ mòn quai gót
Bác vẫn thường đi giữa thế gian.
(Theo chân Bác – Tố Hữu)
Chính tấm lòng thanh cao và giản dị hết mực của Bác đã khiến cho cả dân tộc Việt Nam đời đời tôn kính, yêu thương và nguyện theo mãi bước chân Người:
Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn
Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn
Xin nguyện cùng Người đi tới mãi
Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn.
(Bác ơi! – Tố Hữu)
Nhà thơ Thu Bồn nghẹn ngào tưởng niệm trong giây phút suy tư khi nghĩ về Bác. Từ “đôi dép mỏng đã lì chông gai”, tác giả thấy được con đường tương lai phía trước với một hành trang sâu nặng nghĩa tình. Vẫn hình tượng đôi dép ấy thôi, giản dị đơn sơ là thế, nhưng khi soi vào ta thấy công ơn của Bác như trời biển bao la:
Hành trang Bác chẳng có gì
Một đôi dép mỏng đã lì chông gai
Cho con tháng rộng ngày dài
Cho con lưỡi kiếm đã mài ngàn năm.
(Gởi lòng con đến cùng Cha – Thu Bồn)
Không những các nhà thơ trong nước xúc động trước “hành trang” rất khiêm nhường và giản dị của Người, bằng một tấm lòng thành kính thiêng liêng trước hình tượng vị Chủ tịch một đất nước nhưng đi dép cao su bình dị, nhà thơ Kateb Yacine của An-giê-ri trong bài “Người đi dép cao su” đã viết:
Người đi dép cao su
Người cùng khổ có vầng trán cao cao
Người là ai cũng gọi là Bác Hồ
Hồ Chí Minh, người soi sáng
Người mà cả dân tộc nhắc tên.
(Người đi dép cao su – Kateb Yacine)
Không quá lặp lại hình tượng và suy tưởng của các nhà thơ đi trước, Nguyễn Hưng Hải có rất nhiều bài thơ viết về Bác Hồ, trong đó Đôi dép Bác Hồ đã chứa đựng một triết lý sống sâu sắc. Từ đôi dép theo bước chân Người qua hai cuộc trường chinh của dân tộc, nó đã vạch con đường cách mạng cho chúng ta đi. Nếu trước kia Tổ quốc chìm trong bùn lầy, tăm tối, thì nay đã “soi thành đường” cho cả dân tộc tiến bước vinh quang. Cao đẹp và hạnh phúc lắm thay hình tượng đôi dép cao su, đôi dép Bác Hồ đã mang đến cho dân tộc ta một niềm tin, một lẽ sống trường tồn, bất diệt:
Tôi nhìn đôi dép rưng rưng
Những đêm sương gió đường rừng mưa rơi
…
Soi vào đôi dép ta tìm
Bóng ta ngày trước nổi chìm trong mưa
Thiêng liêng đôi dép Bác Hồ
Soi thành đường để bây giờ ta đi.
(Đôi dép Bác Hồ – Nguyễn Hưng Hải)
Trong nền thi ca cách mạng Việt Nam, còn rất nhiều bài thơ khác nữa viết về đôi dép cao su giản dị của Bác Hồ, nhưng với điều kiện một bài viết nhỏ, tôi chưa thể nêu ra và phân tích hết được. Với chừng ấy thơ trích từ các thi phẩm tiêu biểu, hình tượng Hồ Chủ tịch cũng đã được dựng lên với một vẻ đẹp sáng ngời, cao cả. Đôi dép vừa là nét bình dị đời thường, vừa trở thành biểu tượng của niềm tin về con đường tương lai phía trước của cách mạng. Đó là con đường mà suốt cuộc đời Bác Hồ đã chọn và dìu dắt cả dân tộc ta vững bước tiến lên giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Hồng Phương
(Thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk)
Tuần Báo Văn Nghê TP.HCM số 449
http://tuanbaovannghetphcm.vn/doi-dep-bac-ho-nguon-cam-hung-thi-ca/
Tin tức khác:
- Lịch sử đặc biệt của đôi dép cao su bộ đội Cụ Hồ(24/03/2021)
- Chuyện về người vực dậy đôi dép lốp huyền thoại(20/03/2021)
- Kể chuyện nghệ nhân làm đôi dép cao su Bác Hồ(20/03/2021)
- Chuyện người hồi sinh những đôi dép lốp huyền thoại(19/03/2021)
- Đôi dép cao su: “Huyền thoại lịch sử” đi từ chiến tranh đến hiện đại(19/03/2021)
- Người đàn ông từ bỏ vị trí phó giám đốc về làm dép cao su Bác Hồ(19/03/2021)
- Đôi dép cao su Bác Hồ đi suốt dặm dài đất nước(19/01/2021)
- 1947(16/12/2020)
- 1954(16/12/2020)
- 1968(16/12/2020)
- 1975(16/12/2020)