-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Dép cao su từ lịch sử bước vào thị trường
Đăng bởi Admin vuadeplop
Thứ Sun,
17/12/2023
Chúng tôi gặp anh Nguyễn Tiến Cường, người đang điều hành hệ thống "Vua dép lốp" tại cửa hàng chính sát bên Bảo tàng Hồ Chí Minh (phố Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội).
Dép lốp được trưng bày như một bảo tàng thu nhỏ: một bên là lịch sử gồm đôi dép Bác Hồ, bác Giáp, dép Việt Minh và các tài liệu liên quan; một bên là những đôi dép hiện đại với đủ màu sắc, kích cỡ, chủng loại nam nữ.
Và Cường sẵn lòng thao thao nói chuyện với khách về dép lốp...
Đang là sếp trong công ty về công nghệ thời đại 4.0, Cường bất ngờ rẽ ngang sang sản xuất dép lốp thủ công, quay về thời 0.4 vì một tình cảm đặc biệt với "đôi dép cao su, đôi dép Bác Hồ".
Anh giãi bày đam mê của mình: "Bố vợ tôi làm dép lốp suốt mấy mươi năm. Mỗi khi đi làm về, tôi sang nhà ngoại đón con đều nhìn thấy hình ảnh ông lạch cạch làm dép ở cái ngõ chật chội của gia đình.
Ông cụ làm rất say mê, tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh đó. Thi thoảng hai cha con lại trò chuyện về đôi dép, về lịch sử của nó, về những khách hàng cũng đặc biệt của ông.
Dép cao su có một lịch sử đặc biệt, một thời quân và dân đều đi, không có đôi dép nào được như vậy. Cách làm cũng thú vị, từ một cái lốp xe lại có thể tạo ra một đôi dép bền đẹp...
Nhìn đôi dép, tôi như thấy lại những câu chuyện lịch sử, hình ảnh cha anh chúng tôi bước dép lốp băng rừng vượt núi tìm hòa bình cho dân tộc, thống nhất đất nước.
Tôi mê và mong mỏi tìm cách cho đôi dép lịch sử được bước trong không khí hòa bình, con đường thịnh vượng" - anh tâm sự.
Làm dép lâu đời và kỹ thuật tốt, người trong nghề gọi ông Phạm Xuân Quang (phố Nguyễn Biểu, quận Ba Đình, Hà Nội), bố vợ anh Cường, là "vua dép lốp", nhưng ông lại không ủng hộ ý định "phục hưng dép lốp" của chàng rể.
Ngoài 70 tuổi, ông cũng đã bỏ nghề, chỉ thỉnh thoảng ngồi cắt, gõ vài đôi đặc biệt cho những người khách quen đặt hàng.
Con rể thì chưa biết gì về nghề thủ công, lại đang có vị trí, thu nhập tốt trong ngành công nghệ thời thượng.
Sau lá thư viết cho bố vợ, Cường lại viết thêm bức thư nữa gửi lãnh đạo một số bộ ngành đề nghị phong danh hiệu nghệ nhân cho những người làm dép lâu năm và công nhận dép cao su là di sản phi vật thể vì những giá trị tinh thần của nó với lịch sử cách mạng.
Đã có hàng ngàn câu chuyện, hồi ức, thơ, văn viết về đôi dép, nếu sưu tầm có thể in được thành sách.
Cả hai lá thư đều có phản hồi tích cực. Nhiều người làm dép lâu năm đã được phong nghệ nhân, trong đó có ông Phạm Xuân Quang.
Không biết có phải vì vậy mà ông Quang đã đồng ý ngồi xuống chỉ dạy cho anh kỹ thuật làm dép mà ông có.
Vậy là từ một CEO công nghệ, Nguyễn Tiến Cường bắt đầu khởi nghiệp ở tuổi ngoại tứ tuần với vị trí một thợ thủ công dép lốp.
Kể từ đó đến nay đã là 8 năm, Cường không nghĩ bước ngoặt mình chọn lại gian nan chẳng kém con đường xuyên núi rừng của dép cao su khi xưa.
"Thời gian đầu tôi chỉ tập trung vào yếu tố lịch sử, nghĩ rằng đôi dép có bề dày lịch sử thì sẽ thu hút được người mua" - anh nhớ lại suy nghĩ "ngây thơ" của mình.
Tìm lại cội nguồn của dép, Cường đi khắp nơi từng sản xuất dép cao su để sưu tầm dụng cụ, gặp những người thợ địa phương nghe kể chuyện làm dép, mời thợ giỏi về làm cho mình, về Quảng Ninh đặt mua lốp cao su loại "khủng", chuyên dùng cho xe chở than và lốp máy bay để làm nguyên liệu.
Rồi tìm hiểu tư liệu lịch sử, thời Bác Hồ, bác Giáp kiểu dép thế nào, ba quai hay bốn quai. Anh tái hiện lại đôi dép của từng thời kỳ và đặt tên cho chúng. Đem dép đi tặng một số nguyên thủ quốc gia, tướng lĩnh quân đội và cả "thánh phượt" Vừ Già Pó - người vượt 7.000km bằng chân trần, để xin cảm nhận về đôi dép.
Anh cũng tổ chức các chương trình biểu diễn về lịch sử dép cao su, quảng bá đôi dép tới du khách trong nước và nước ngoài - điều mà chưa thợ dép nào làm, kể cả bố vợ "vua dép lốp" của anh.
Nhưng cuối cùng kết quả Cường nhận về là thất bại, ngậm ngùi: "Dép không mấy người mua, chi phí tổ chức biểu diễn tốn hàng trăm triệu khiến tôi gần như sập tiệm".
Thế là lịch sử lại được tạm thời đặt qua một bên, chỉ tập trung vào nhu cầu của khách hàng, muốn gì và cần gì. Khách mua hàng sau một thời gian trải nghiệm và cả khách chỉ đến xem, đều sẽ được hỏi những cảm nhận về dép.
Anh, chị thấy dép này thế nào? Anh, chị đi dép này còn chưa ưng điểm nào? Anh, chị muốn thay đổi cái gì?... Rất nhiều câu hỏi và trả lời đã được tích lũy để thu về những thay đổi toàn diện cho đôi dép.
Quan trọng nhất là độ nhẹ của dép, màu sắc và kiểu dáng. Đôi dép nguyên bản ngày xưa nặng trịch, chỉ đúng một màu đen đặc, kiểu dáng chỉ hai quai, bốn quai.
Nay dép đã nhẹ nhàng, đã có hàng chục kiểu quai đan cài, màu đỏ, màu xanh lá cây, màu nước biển, màu vàng, cam... Kiểu dáng đã có tới hàng trăm loại, từ trẻ em tới người lớn, cả nam cả nữ. Và "vua dép lốp" vẫn đang tiếp tục tiến trình "thay đổi hay là chết"...
Còn có những thay đổi khó có thể nhìn bằng mắt, chỉ khi khách xỏ dép vào chân mới cảm nhận được: đó là sự thoải mái của độ cong ôm chân. Để làm được điều này, anh Cường đã bỏ thời gian tìm hiểu, nghiên cứu sản phẩm của các hãng giày dép nổi tiếng thế giới như Chanel, Gucci, Prada, Nike...
"Tôi cố gắng học hỏi để khi bạn chọn được đúng kích cỡ thì sẽ cảm thấy đôi dép đó như làm riêng cho mình vậy. Màu sắc thì đơn giản mà sang trọng, dễ phối đồ nữa" - anh Cường cười nói. Về độ an toàn, xưa nay người đi dép đều không gặp vấn đề gì, dép rất thân thiện với môi trường nhưng khi một người bạn sống ở nước ngoài hỏi về vấn đề này thì Cường cũng phải tìm câu trả lời.
Tổng kết chặng đường đầu, anh khẳng định 8 năm qua "vua dép lốp" chỉ tập trung vào việc thay đổi sản phẩm.
Là dân công nghệ, điều mới lạ luôn tạo cảm hứng khiến anh Cường muốn khám phá, và "dép lốp cũng vậy, có một sức hút kỳ lạ, giúp tôi vượt qua những gập ghềnh của nghề". Vì lẽ đó "vua dép lốp" có khẩu hiệu: "Đi dép cao su giúp ý chí mạnh mẽ".
Sau dịch COVID-19, "Vua dép lốp" đã có bước đột phá lớn: năm cửa hàng mới ra đời, hệ thống phát triển kênh bán hàng online, nâng cấp tạo sản phẩm mới, thâm nhập thị trường xuất khẩu.
Tại cửa hàng "Vua dép lốp" ở cạnh lăng Bác, chúng tôi gặp một khách Việt có ngoại hình cao lớn như Tây. Anh là Nguyễn Hùng, người Hà Nội, đang công tác tại Mexico.
Anh Hùng cho biết đã quen đi dép lốp từ thời thanh niên, nay có dịp về Việt Nam anh đến cửa hàng mua loại dép "xịn nhất" được làm từ lốp máy bay. "Tôi thích vì đôi dép đi thoải mái, mang phong cách quân đội, lại riêng biệt. Mỗi lần ra đường, người dân bản địa Mexico cũng hay để ý hỏi han" - anh Hùng chia sẻ.
Trên phố sách Trần Hưng Đạo, cửa hàng dép lốp ngày cuối tuần khách ghé vào trải nghiệm chật kín. Vì không còn kích cỡ của trẻ em, một người mẹ nói sẽ đặt mua trên cửa hàng online cho con để cả nhà cùng đồng phục dép lốp.
Chị Phạm Thị Hồng Hạnh, một khách hàng ở quận Đống Đa, cũng bị thu hút bởi sự mới lạ và từng mua dép lốp cho cả gia đình.
"Trước khi mua, tôi chụp hình dép hỏi ý kiến các thành viên gia đình, chồng và tụi nhỏ đều thích. Chúng tôi đã trải qua các mùa du lịch với dép lốp cao su này, chụp hình khoe trên mạng. Giờ có mẫu mới tôi lại mua, bạn bè cũng thích lắm" - chị Hạnh cười nói.
Những đồng nghiệp cũ ở FPT là những khách hàng đầu tiên và là những người tích cực quảng bá nhất cho dép lốp của Cường.
Anh Nguyễn Thành Nam, phó chủ tịch HĐQT Đại học FPT, từ chục năm nay luôn xuất hiện với đôi dép lốp "vật bất ly thân". Anh Nam là "khách sộp", mỗi lần đến cửa hàng lại mua luôn mấy chục đôi, vừa để đi, vừa để tặng những ai quan tâm đến lịch sử dép lốp.
Còn chủ nhân "Vua dép lốp" có một khát vọng lớn hơn, anh muốn duy trì một chương trình biểu diễn về dép cao su, giới thiệu với du khách việc làm dép truyền thống và những điệu nhảy đương đại của lớp trẻ.
"Đó mới là mục đích của tôi, không đơn thuần là việc bán đôi dép" - Cường chia sẻ.
Giữa đường sách Hà Nội, một đôi dép thật to màu đỏ nổi bật, thu hút sự chú ý của khách qua lại. Vừa quen, vừa lạ, đủ gợi sự tò mò.
"À, đôi dép Bác Hồ đây mà", một cô gái trẻ bật thốt lên sau một hồi ngắm nghía. Ngẩng nhìn lên, cửa hàng "Vua dép lốp" bằng tranh tre thật thân quen đang mở rộng chào đón...
"Tôi mong mỗi khách hàng sẽ kể được câu chuyện lịch sử nước mình qua đôi dép mà mình yêu thích. Đôi dép đó không phải để cất làm kỷ niệm, mà để đi trên chân vừa thoải mái, vừa đẹp, vừa truyền được những cảm hứng tích cực...".
___________________________________________________
Nội dung: TÂM LÊ
Thiết kế: VÕ TÂN
Tin tức khác:
- Lịch sử đặc biệt của đôi dép cao su bộ đội Cụ Hồ(24/03/2021)
- Chuyện về người vực dậy đôi dép lốp huyền thoại(20/03/2021)
- Kể chuyện nghệ nhân làm đôi dép cao su Bác Hồ(20/03/2021)
- Chuyện người hồi sinh những đôi dép lốp huyền thoại(19/03/2021)
- Đôi dép cao su: “Huyền thoại lịch sử” đi từ chiến tranh đến hiện đại(19/03/2021)
- Người đàn ông từ bỏ vị trí phó giám đốc về làm dép cao su Bác Hồ(19/03/2021)
- Đôi dép cao su Bác Hồ đi suốt dặm dài đất nước(19/01/2021)
- 1947(16/12/2020)
- 1954(16/12/2020)
- 1968(16/12/2020)
- 1975(16/12/2020)