Dép cao-su Con Hổ vang bóng một thời

Đăng bởi Admin vuadeplop
Thứ Wed,
14/02/2024

Dép cao-su Con Hổ vang bóng một thời

Sinh thời, bà Hoàng Thị Minh Hồ, phu nhân nhà tư sản Trịnh Văn Bô - chủ nhân của ngôi nhà 48 Hàng Ngang (Hà Nội) lịch sử, nơi Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn Độc lập, có kể lại khi tiếp đón Bác từ chiến khu về, hành trang của Người: “chỉ có một đôi dép cao-su nhãn hiệu con hổ trắng, chiếc quần soóc nâu, chiếc áo sơ-mi ngắn tay, một chiếc can và chiếc mũ phớt bạc mầu”. 

 

Một câu hỏi đặt ra trong chúng tôi, đôi dép cao-su nhãn hiệu con hổ trắng gắn liền với lịch sử ấy, xuất xứ từ đâu?

Quảng cáo dép cao-su Con Hổ trên báo Độc Lập năm 1946.
Quảng cáo dép cao-su Con Hổ trên báo Độc Lập năm 1946.

Theo dấu dép cao-su 

Tìm về xuất xứ của đôi dép này, chúng tôi vô tình biết được thông tin, năm 1970, cụ Phạm Quang Xuân (người được mệnh danh là vua dép lốp) và bốn người thợ tay nghề cao nhất trong xưởng sản xuất dép được lãnh đạo công ty gọi lên, giao cho làm 10 đôi dép cao-su để lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

10 đôi dép được đặt theo mẫu một đôi dép đã cũ. Theo cụ Xuân, đôi dép đó đã mòn vẹt ở đế, được dán thêm một miếng cao-su khác vào. Đó là dép cao-su con hổ, loại dép đặc trưng của một xưởng tư nhân có tên “Cao-su Con Hổ” có từ thời Pháp. 

Từ những dữ liệu trên, chúng tôi càng có cơ sở về sự tồn tại của một thương hiệu dép mang tên “Con Hổ” từng tồn tại trong dòng chảy lịch sử. 

Khai thác tư liệu trong Thư viện Quốc gia, chúng tôi phát hiện ra trong khoảng những năm 1945 - 1946, trên các tờ báo như Cứu Quốc, Dân Quốc, Độc Lập... thường xuất hiện các mẩu quảng cáo các nhãn hiệu dép cao-su như Thanh Niên, Địa Cầu, Con Hổ, Sao Vàng… Trong đó dép cao-su hiệu “Con Hổ” ở số 93 Hàng Đồng (ngõ Cống Đục) của ông Giản Tiến Lộc (còn được gọi là Lục) được ưa chuộng nhất. 

Trong một mẩu quảng cáo trên báo Độc Lập năm 1946, có vẽ hình chiếc dép cao-su và con hổ đang chạy, chúng tôi bắt gặp những dòng chữ đầy bắt mắt: “Dép cao-su Con Hổ - Tiện, đẹp, bền hơn cả - Nhà sáng chế lốp cao-su Trung Hoa - số 93 phố Hàng Đồng (Cổng Đục, Hà Nội)”. Hay trong một mẩu quảng cáo khác trên báo Dân Quốc năm 1946 cũng ghi rõ: “Dép cao-su Con Hổ tốt đẹp rẻ bền, số một trên thị trường dép cao-su được tin dùng hơn cả - Săm lốp xe đạp Con Hổ rẻ và bền hơn hàng ngoại quốc có bảo đảm - Các ngài chiếu cố xin nhận kỹ nhãn hiệu Con Hổ kẻo mua lầm của giả”.

Biết được thông tin quý giá này, chúng tôi ngay lập tức tìm đến phố Hàng Đồng (Hà Nội) để dò hỏi về nhãn hiệu cách nay gần trăm năm này, nhưng không một ai biết. Thậm chí, theo người dân nơi đây, phố Hàng Đồng từ trước đến nay còn không có số nhà 93. Vậy thì nơi đâu mới là dấu tích của xưởng sản xuất dép vang bóng một thời của thế kỷ XX? Sực nhớ, trong dòng địa chỉ của xưởng dép cao-su Con Hổ xưa, đằng sau số 93 Hàng Đồng, còn có một địa danh được đóng ngoặc kép: Cổng Đục. 

Cổng Đục cũng là một con phố của Hà Nội. Tìm đến đây, hỏi thăm người dân sinh sống trên phố Cổng Đục, chúng tôi như vỡ òa sung sướng khi biết, ngõ phố nhỏ này lại mang trên mình những ký ức lịch sử đáng nhớ, đây là nơi từng được gọi là “phố dép cao-su”.

Ông Viên (90 tuổi), người đã sinh sống lâu đời tại phố Cổng Đục, Hà Nội cho biết: “Xưởng dép cao-su Con Hổ Đông Dương nổi tiếng những năm 40 của thế kỷ trước tọa lạc chính tại khu Cổng Đục này. Mặt tiền của xưởng dép hướng ra phố Hàng Mã, kéo dài đến non nửa ngõ Cổng Đục, mặt kia là phố Phùng Hưng. Những năm 40, nơi đây buôn bán sầm uất người ra kẻ vào, ông chủ hiệu nổi tiếng về độ giàu có. Dép cao-su Con Hổ có mầu trắng, có hai quai to bắt chéo đằng trước và một quai vòng phía sau, đi rất chắc chân, rất thích”. 

Dép cao-su Con Hổ trắng không chỉ còn trong nỗi nhớ của ông Viên, mà còn đọng lại trong ký ức của nhiều thế hệ thanh niên thời bấy giờ. Trong ký ức của ông Trần Trung Cường, dép cao-su Con Hổ là loại dép phổ thông những năm 1948, có mầu trắng, nhẹ, mềm, mát, dễ rửa chân, “rửa xong vẩy vẩy mấy cái là khô”. Đặc điểm của dép là rẻ tiền, vì thế giới bình dân hay dùng, còn người trung lưu trở lên thì đi dép da, giày da, hoặc giày Bata giống như giày thể thao bây giờ. Tuy nhiên, có điều bất tiện khi đi dép Con Hổ là phải thường xuyên đánh phấn trắng cho dép.

Bà Hiền (83 tuổi) cũng sống tại phố Cổng Đục kể lại: “Xưởng cao-su Con Hổ thời ấy không trưng nhiều biển hiệu nhưng vẫn tấp nập người mua vì cả thành phố Hà Nội bấy giờ chỉ có đường dép cao-su ở đây thôi. Trên hè phố, nhân viên xưởng dép cao-su Con Hổ xếp những dãy ghế trên có bày dép cao-su thành từng chồng, mỗi chồng khoảng 10 đôi dép, ai muốn mua thì có thể tự xem và lựa chọn, mà giá một đôi dép rẻ lắm, khoảng 200 đồng thời ấy”.

Dép cao-su Con Hổ vang bóng một thời -0
Dấu tích cửa chính xưởng cao-su Con Hổ xưa, nay nằm trên phố Hàng Mã. 

Ký ức về ông chủ dép cao-su Con Hổ

Tìm kiếm thêm trong tư liệu báo chí, chúng tôi phát hiện ra một số thông tin về ông chủ của hiệu dép Con Hổ đình đám xưa kia. Ông Giản Tiến Lộc người ta thường gọi là ông Lục, chủ xưởng dép cao-su “Con Hổ”, dân Hà thành xưa không mấy ai là không biết tiếng. 

Theo báo Tia Sáng số 642 ngày 5/9/1950, ông Lộc sáng chế dép “Con Hổ” từ hồi Nhật vào Đông Dương. Trước đây ông Lộc bán dạo dầu gió hiệu “Nhị Quang” và “Đại Thiên” trên xe lửa, tàu điện, sau nhảy sang làm dép thì “phất” to. Nhất là hồi năm 1947-1948, ông Lộc vào thời oanh liệt nhất, vì dép cao-su “Con Hổ” từ thành thị cho đến thôn quê, từ miền kiểm soát cho đến hậu phương bán chạy như tôm tươi, và thứ dép ấy gần như chiếm độc quyền, tràn ngập trên thị trường vì chưa bị cạnh tranh bởi các hãng khác. Chính hồi đó, ông Lộc đã từng bỏ tiền ra hàng gần chục vạn mua cái “bông” xe hơi hiệu “Chevrolet” mà ông Nghiêm Xuân Thiện đã xin được trước khi làm tổng trấn. Hồi ấy, xe hơi rất hiếm, nên chiếc xe hơi sang trọng như của ông Lộc mua càng khiến thiên hạ chú ý. Việc đó lại càng được chú ý hơn nữa ở chỗ sau khi lên chức tổng trấn, ông Nghiêm Xuân Thiện thường hay mượn tạm chiếc xe đó.  

Ngoài dép cao-su “Con Hổ”, ông Lộc còn kinh doanh các sản phẩm khác như săm lốp xe đạp hiệu “Con Hổ” cũng bán khá chạy.

Nhưng từ hồi 1949 trở đi, tình hình tài chính của ông Lộc dần dần bị xuống. Một là ông quá phung phí, hai là nhiều hãng cạnh tranh, bởi vậy, ông thường hoạt động tại các thị trường miền quê nhất là vùng Sơn Tây, Phú Thọ tải hàng giữa các miền ấy và Hà Nội. Những hoạt động ấy, bề ngoài thì có vẻ rầm rộ, nhưng sự thật bên trong ông Lộc rất quẫn bách. Ông Lộc đã phải cầm cố hết tài sản và nợ rất nhiều. Năm 1950, hai vợ chồng ông Lộc cùng một người con trai bỗng nhiên mất tích. “Người ta cho rằng có lẽ vì quá thua lỗ, nên ông Lộc đã trốn đi để chạy nợ. Ông ta có tới ba, bốn vợ, và người vợ đi theo với ông là vợ cả. Tại Hà Nội, hiện nay, còn mấy con nhỏ của ông ta ở lại hiện do thân nhân cấp dưỡng” (báo Tia Sáng số 642 ngày 5/9/1950).

Theo ông Viên, người từng mua lại một phần khu đất xưa là xưởng dép cao-su Con Hổ, sau khi ông Lộc làm ăn thua lỗ, đã bán xưởng cho ông Tham Kỳ, chủ công ty hóa chất Hàng Mã. Ông Tham Kỳ ngăn thành từng ô đất bán cho những người khác. Mãi về sau, khi đào móng xây nhà, người ta còn phát hiện một chiếc bệ máy của xưởng cao-su Con Hổ nổi tiếng khi xưa.

Theo tư liệu lịch sử, thì chúng ta có thể kết luận thương hiệu dép cao-su Con Hổ đã phá sản trước hoặc trong năm 1950. Nhưng cho đến năm 1952, trên mục “rao vặt” của tờ Tia Sáng ngày 15/11/1952 lại xuất hiện mẩu quảng cáo dép cao-su “Con Hổ” với nội dung sau: “Hãng giày, dép cao-su con Hổ đã được tín nhiệm từ xưa, nay lại sản xuất đủ kiểu mới lạ, tiện - đẹp - rẻ - bền. Xưởng chế tạo Trung Hoa 49B Hàng Bột”. 

Chẳng biết có phải ông Giản Tiến Lộc quay về tiếp tục làm dép hay không? 

Dù đúng hay chẳng phải, chúng ta cũng đã thấy được thời kỳ vàng son cũng như dừng lại của một nhãn hiệu Việt đã một thời vang bóng. Cho đến nay, gần trăm năm sau, dù những chiếc dép cao-su Con Hổ không còn nữa, nhưng nó vẫn luôn bước đi cùng với những bước chuyển mình của lịch sử và trong ký ức của mỗi con người trân trọng quá khứ. 

zalo chat 0989.530.530 zalo chat 0989.22.34.22
popup

Số lượng:

Tổng tiền: