Đến với nơi duy nhất ở Hà Nội còn làm 'đôi dép Bác Hồ'
Chiếc dép cao su là một đồ dùng không thể thiếu của bộ đội Việt Nam trong 2 cuộc chiến tranh. Tại Hà Nội, hiện chỉ còn một nơi có thể tìm thấy loại dép này.
Trải qua 2 cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, những chiếc dép cao su đã trở thành một trong những vật dụng bất ly thân của người lính Cộng sản Việt Nam bởi tính tiện dụng, có độ bền cao, chịu được áp lực của những cuộc hành quân đường dài, phải trèo đèo lội suối.
Hình ảnh về bác Hồ trong suốt hơn 20 năm cuối đời (1947 -1969) thường xuyên sử dụng đôi dép cao su, gắn liền với chặng đường hoạt động cách mạng của Bác trong và ngoài nước. Vậy nên ngoài tên gọi truyền thống, ở Việt Nam loại dép này còn được gọi với cái tên khác là dép Bác Hồ, dép Hồ Chí Minh...
Sau giải phóng những chiếc dép cao su đã dần bị lu mờ bởi sự xuất hiện của dép nhựa có ưu điểm về độ nhẹ và giá thành rẻ hơn. Thế nhưng ở một con ngõ nhỏ của Hà Nội hiện nay vẫn còn một nghệ nhân ngày ngày cần mẫn sản xuất những đôi của một thời quá khứ - Đôi dép Bác Hồ.
|
Nghệ nhân Phạm Quang Xuân năm nay tuổi đã gần 80, nhưng ông cũng đã có ngót 60 năm kinh nghiệm làm dép cao su. |
|
Nhờ sự khéo tay và tỷ mỉ, ông là một trong bốn nghệ nhân có vinh dự được làm đôi dép cao su Bác Hồ, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. |
|
Sau năm 1975 khi hoà bình lập lại, nhu cầu dép cao su không còn nhiều nên Hợp tác xã phải giải thể. Ông Xuân đã đi tìm nhiều công việc khác nhau, nhưng do nhớ cái nghề "cha truyền con nối" nên năm 1995 ông Xuân làm vài chiếc tặng bạn bè, rồi dần do nhiều người hỏi mua dép nên ông Xuân quyết định kinh doanh mặt hàng này. |
|
Những chiếc dép được ông chọn lọc kĩ lưỡng, chỉ có loại cao su từ lốp máy bay hoặc lốp ô tô tải mới đạt chuẩn để làm nguyên liệu. |
|
Ngồi tỳ mẩn bên những miếng cao su và đống dụng cụ lỉnh kỉnh trong khuôn viên "xưởng dép" chỉ chưa đầy 10m2, ông Xuân chia sẻ: "Dép cao su phải làm thủ công mới thể hiện hết tinh hoa của người thợ, dép ngoài tuyển chọn được loại cao su tốt thì người thợ cũng phải biết cách làm quai sao cho vừa chân người đi, đấy mới là điều quan trọng". |
|
Để có một chiếc dép cao su "chuẩn mực", đòi hỏi người thợ phải biết sử dụng thành thục nhiều loại dụng cụ. |
|
Một góc làm việc nhỏ của nghệ nhân làm dép cao su duy nhất tại Hà Nội. |
|
Độ tuối của ông nhiều người đã "mắt mờ chân chậm", thế những ông Xuân vẫn giữ được sức khoẻ tốt, những đường cắt của ông chẳng "phạm" vào đâu đã thể hiện điều đó. |
|
Ngồi xếp lại những chiếc dép cao su gắn với một phần lịch sử của đất nước, ông Xuân chia sẻ về câu chuyện đang nhớ, "năm 2014 một du khách nước ngoài có đến nhờ tôi làm một chiếc dép cao su nhưng lại phải mang dấu ấn đặc trưng của Việt Nam, ngay lập tức tôi đã cắt cho cậu ấy hình bản đồ Việt Nam với Trường Sa và Hoàng Sa là vùng biển đảo của nước ta, sau đó vị khách này rất thích và mãn nguyện về đôi dép của tôi làm cho cậu ấy". |
|
Những chiếc dép cao su của ông thường sẽ được làm theo 5 mẫu để phù hợp hơn với mọi lứa tuổi. Đặc biệt ông Xuân đã đặt tên cho 2 trong 5 mẫu dép của mình là dép Bác Hồ và dép Bác Giáp (trên cùng bên trái), theo lời chia sẻ của ông Xuân thì đây là 2 loại dép được làm theo kiểu của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng sử dụng. |
|
Tiếng lành đồn xa, cứ hễ nhà bác Xuân mở cửa là lúc nào cũng luôn có khách đến hỏi mua dép, mặc dù mỗi đôi dép luôn có giá từ 200.000 đến 500.000 đồng. |
|
"Nhiều cựu chiến binh ra Hà Nội đến viếng lăng Bác, hay nhiều người từ Cà Mau, Nghệ An, Huế... đến tìm tôi chỉ để mua vài đôi dép cao su, họ bảo chỉ có nhà tôi mới có dép chất lượng, đi rất vừa chân và bền bỉ". Đây cũng là một sản phẩm mà đối với những cựu chiến binh luôn là một kỉ niệm khiến họ liên tưởng đến thời kỳ gian khổ, "ngủ hầm cơm vắt" chiến đấu quên thân để dành lại tự do cho dân tộc.
https://vietnammoi.vn/den-voi-noi-duy-nhat-o-ha-noi-con-lam-doi-dep-bac-ho-42170.htm |