Đến thăm ông... "Vua dép lốp"

Đăng bởi Phương Như
Thứ Wed,
24/03/2021

(CLO) Gắn bó với dép lốp suốt hơn 50 năm, ông Phạm Quang Xuân (Hà Nội) đã được nhiều người yêu mến gọi bằng cái tên “Vua dép lốp”.

Nghệ nhân dép lốp thủ công Phạm Quang Xuân. Ảnh: V.H

Nghệ nhân dép lốp thủ công Phạm Quang Xuân. Ảnh: V.H

Hơn nửa thế kỷ làm dép lốp

Nhà ông Xuân với khoảnh sân rộng nằm khá yên tĩnh trên phố Nguyễn Biểu (Hà Nội). Ông Xuân sống ở đây từ nhỏ. Ông cho biết, từ những năm 12, 13 tuổi, ông đã phụ bố làm dép cao su. Năm 1965, ông làm việc tại Xí nghiệp Bách hóa (45 Hàng Bồ, Hà Nội), công việc làm dép chuyên nghiệp chính thức bắt đầu.

Dấu ấn đáng nhớ trong cuộc đời ông" Vua dép lốp" là năm 1970, ông Xuân là một trong 5 người tham gia làm 10 đôi dép Bác Hồ theo đặt hàng của bảo tàng Hồ Chí Minh, để trưng bày tại các bảo tàng trên toàn quốc. Hiện nay, những đôi dép này vẫn đang được trưng bày tại Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Đến năm 1975, khi những đôi dép lốp không còn được ưa chuộng thì xí nghiệp giải thể, ông Xuân phải chuyển sang làm nhiều việc khác để mưu sinh như khâu bóng, sửa đồng hồ, trang trí nội thất, cơ khí... Tuy vậy, tình yêu với đôi dép chưa bao giờ tắt.

Ở tuổi gần 80, ông Xuân vẫn có thể tự làm ra những đôi dép lốp rất tinh xảo. Ảnh: V.H

Ở tuổi gần 80, ông Xuân vẫn có thể tự làm ra những đôi dép lốp rất tinh xảo. Ảnh: V.H

Bẵng đi sau nhiều năm lo cơm áo gạo tiền, năm 1999 thì ông Xuân trở lại với nghề. Ban đầu, ông chỉ làm số lượng ít, chủ yếu dùng vào việc làm quà tặng và làm đỡ... nhớ nghề. Thế rồi cứ người nọ truyền tai người kia, họ tìm đến phố Nguyễn Biểu để đặt ông đích thân làm dép lốp. Cũng từ dó, danh xưng “Vua dép lốp” được nhiều người yêu mến mà đặt cho ông Xuân.

Dép lốp ông Phạm Quang Xuân làm thực sự là từ lốp xe, không phải là loại cao su đúc thành khuôn từ mủ cao su ban đầu. Cũng chính vì thế mà công việc khá phức tạp và đòi hỏi tay nghề cao. Ông Xuân cho biết, hồi những năm 65, khi làm Xí nghiệp Bách hóa, lúc ấy xí nghiệp còn phân chia công nhân ra các tổ khác nhau như tổ phá lốp, tổ làm đế, tổ làm quai... phân chia chuyên môn một cách khá chuyên nghiệp.

Điều thú vị của đôi dép do ông Xuân chế tạo là hoàn toàn có thể gia giảm, thêm bớt theo các yêu cầu của khách hàng. Đây cũng chính là điều khiến nhiều người khi tìm đến ông Xuân để đặt hàng kì vọng và chờ đợi. Nó chính là sự khác biệt với tất cả các loại giày dép được sản xuất công nghiệp khác.

Kể cho chúng tôi về đôi dép huyền thoại mang tên “dép Bác Hồ” và “dép bác Giáp”: “Loại dép đó được làm mô phỏng theo dép con hổ ngày xưa. Bây giờ mà nhắc dép con hổ thì nhiều bạn trẻ không thể biết được”. “Khó nhất là làm sao cho nó giống, nó cũ. Tôi đã mất rất nhiều ngày nghiên cứu làm mòn, làm sao phải giống được đến 95%. Gần đây nhất, bên bảo tàng Hồ Chí Minh tiếp tục tìm đến tôi và đặt làm đôi dép Bác Hồ, ông Xuân nói.

Nguyên liệu từ dép lốp thì tất nhiên từ lốp, nhưng là loại lốp nào? Ban đầu, loại lốp được ông Xuân tin cậy chính là lốp xe tải chuyên dụng, chở than vùng Quảng Ninh. Lốp của loại xe tải này thậm chí còn cao hơn đầu người. Điều quan trọng nhất là phần “thịt lốp” còn nhiều, một chiếc lốp làm được nhiều việc chứ không phải là loại lốp xe thông thường ta vẫn hay thấy trên đường.

Loại lốp thứ hai chính là loại lốp dành cho máy bay Boeing. Chúng tôi đã khá ngạc nhiên vì điều này. Cũng vì nguyên liệu thuộc loại hiếm hoi nên giá thành những đôi dép từ lốp máy bay thường đắt hơn bình thường một chút.

Tinh túy từ nghề thủ công

Ông vua dép lốp nói, đôi dép cao su là vốn đặc trưng của người Việt, phải làm thủ công mới thể hiện hết tinh hoa của người thợ. Cũng chính bởi yếu tố thủ công mà toàn bộ các dụng cụ phục vụ cho việc làm dép đều phải “thửa riêng” để hợp với từng công đoạn làm dép.

Bản thân các dụng cụ này cũng phải đặt hàng thợ rèn để rèn từ thép tốt theo cách đặc biệt, bởi chúng thường xuyên phải làm việc với cao su, thứ nguyên liệu khó tính và khá cứng rắn. Không nhớ chính xác số lượng dụng cụ nhưng đếm nhanh số lượng dụng cụ có khoảng 70 loại. Riêng đá mái để mài dụng cụ cũng nhiều khủng khiếp khi lên tới...30 loại khác nhau.

Công đoạn rút quai dép.

Công đoạn rút quai dép.

Sau nhiều năm, kỹ thuật làm dép của ông Xuân cũng được đúc kết và cải tiến để tạo ra những đôi dép vừa đẹp, vừa bền chắc tiện dụng. Ví như trước đây, đi dép cao su người ta thường phải “găm” một miếng thép mỏng để làm động tác rút quai mỗi quai bị tụt. Bây giờ, khi đục lỗ để xỏ dây, người thợ phải đục là hai nhát lệch nhau. Chính vì vị trí lệch nhau như vậy mà quai được “giằng” vào đế, quai dép gần như không thể tuột ra ngoài.

Ông Xuân nói, trong các công đoạn làm một đôi dép thì phần “lên quai” là công đoạn khó nhất khi làm những đôi dép cao su. Quai dép phải đủ độ cong, trơn, nhẵn, ôm chân. Khi làm quai dép, ông liên tục ướm thử vào chân, đến khi cảm thấy êm ái vừa vặn là đạt yêu cầu.

Sau hơn nửa thế kỷ trên "ngai vàng" của "đế chế" dép lốp, ông Phạm Quang Xuân có được may mắn trong nghề làm dép lốp đó là "ngôi vương" đã có người kế nhiệm. Đó là anh Nguyễn Tiến Cường, con rể ông. Từ chỗ yêu con gái ông Xuân, anh Cường đã yêu lây sang cái nghề của nhạc phụ. Bằng năng lực và sự nhạy bén của một người trẻ tuổi, anh đã tham gia vào công cuộc làm dép lốp và cũng chính anh thực hiện việc đăng ký bảo hộ thương hiệu độc quyền “Vua dép lốp Phạm Quang Xuân” để từ đây dép lốp Việt Nam đã đi khắp năm châu bốn biển.

https://congluan.vn/den-tham-ong-vua-dep-lop-post62802.html

zalo chat 0989.530.530 zalo chat 0989.22.34.22
popup

Số lượng:

Tổng tiền: