Cường phò mã hồi sinh dép cao su

Đăng bởi Phương Như
Thứ Fri,
19/03/2021

TP - Hà Nội có ông Phạm Quang Xuân có tay nghề làm dép lốp nổi tiếng. Nghề làm dép lốp đã qua thời hưng thịnh, ông Xuân cũng đã nhiều lần bỏ nghề. Thế nhưng con rể ông lại tình nguyện bỏ vị trí phó giám đốc đồng sáng lập một công ty phần mềm lớn để khởi nghiệp với dép lốp.

Chân dung Cường phò mã
Chân dung Cường phò mã

Viết hàng trăm lá thư tay

Anh Nguyễn Tiến Cường (sinh năm 1979), con rể ông Xuân kể rằng: Lấy vợ mấy năm mới biết “ông cụ” (tên thân mật anh gọi bố vợ) làm dép lốp. Là dân công nghệ, mê đồ độc, anh bị sản phẩm thủ công này cuốn hút ngay.

Đi thử thấy đôi dép rất phù hợp khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam, lại “ngầu lòi”, anh nảy ra ý định lập diễn đàn cho nó. Trang depcaosu ra đời, không ngờ thu hút cả khách hàng là người nước ngoài. Nhà anh Cường trong hẻm, rất nhiều người đi ô tô hạng sang đến tận nơi mua dép. “Ông cụ lãng tử, lại cực kỳ kỹ tính, có khi cả tháng ông chỉ làm một hai đôi. Khách đặt nhiều mà tôi không dám giục, giục là cụ cáu. Tôi phải nghĩ ra quy định mỗi người chỉ được mua một đôi dép, có ghi lại tên tuổi điện thoại hẳn hoi, muốn mua nhiều cũng không có”, anh kể.

Cường phò mã hồi sinh dép cao su - ảnh 1Cường phò mã

Thời ấy, Cường phò mã (nick anh tự đặt) mê dép đến mức bán được đôi nào anh đều viết thư tay về lịch sử, ý nghĩa… đôi dép để kèm trong túi như một kiểu logo. Có người mua dép còn so sánh hai bức thư xem có giống nhau không, có phải in bằng máy không. Có người tưởng đó là thư của nghệ nhân làm dép, tức ông Xuân.

Vì mê dép, anh Cường vào Bảo tàng tìm hiểu, thấy nguyên một tập thơ 300 bài chỉ nói về đôi dép lốp. Đôi dép cao su gắn liền với hai cuộc kháng chiến của dân tộc, là vật không thể thiếu trong quân tư trang của các chiến sĩ.

Để hiểu sâu hơn về sản phẩm “đặc Việt” này, anh tìm đến từng chiến trường: Điện Biên Phủ, Khe Sanh… để thu thập mẫu dép. Sau này, trong các dòng dép đặc biệt của thương hiệu Vua dép lốp, có dép Khe Sanh, dép Điện Biên Phủ, dép Giải Phóng và cả dép Bác Hồ.

Bán dép được vài năm, anh tra mạng tìm địa chỉ của Văn phòng Quốc Hội, viết thư tay cho Chủ tịch Quốc Hội đề nghị công nhận dép cao su là di sản phi vật thể và công nhận ông Phạm Quang Xuân là nghệ nhân làm dép.

Ba năm bán dép ế

Bán dép online được một thời gian, anh Cường quyết định bỏ việc để chuyên tâm vào “chấn hưng” dép cao su.

“Khi đó bố đẻ tôi mất. Tôi chợt nhận ra, đời người nhoắng cái chỉ có mấy chục năm, phải vui mà sống. Lúc ấy làm công nghệ đã chán rồi, muốn thay đổi. Lại mê dép cao su quá, thế là bỏ luôn mà không hề nghĩ sẽ làm dép như thế nào, bán cho ai?”.

Cường phò mã hồi sinh dép cao su - ảnh 2Anh Cường và bố vợ Phạm Quang Xuân

Đem ý định này nói với gia đình, không ai ủng hộ anh, kể cả bố vợ. Sau thấy con rể quyết tâm quá, ông chỉ bảo: Cho nó làm, để nó biết nó khó mà tự lui!

Ông Xuân không có ý định dạy nghề cho con rể. Cường phải mày mò học lỏm. “Ông khó tính đến mức, tôi xin sang phụ, buộc hộ cái dây cũng không được. Tôi theo ông đi cắt lốp ở xưởng, nghĩ đến câu ông bảo biết khó mà lui thật không phải nói chơi. Nhưng nhờ quãng thời gian khắt khe ấy, tôi hiểu được thế nào là một đôi dép đẳng cấp, thế nào là kỹ thuật bậc thầy. Đó là những thứ mà máy móc không thể nào bắt chước được”.

Cũng nhờ thế mạnh kỹ thuật bậc cao này mà dép cao su của “Vua dép lốp” chống lại được cả quy trình làm nhái của người Tàu. Sau nhiều lần nhái không thành công, hiện nay Trung Quốc là một thị trường tiêu thụ của “Vua dép lốp”, một câu chuyện rất hiếm trong giới kinh doanh.

Trở lại giai đoạn khởi nghiệp, ban đầu anh Cường cầm những đôi dép cao su ít ỏi đi chợ đồ cũ Phùng Khoang, ki-ôt chợ Đồng Xuân... bày bán nhưng đều thất bại. Mỗi ngày thanh niên cổ cồn bôn ba chở dép đi tiếp thị nhưng không ai đoái hoài. Tình trạng ấy kéo dài suốt ba năm.

Nhân có cuộc gọi điện xác minh “thư tay gửi Chủ tịch Quốc hội” của Bảo tàng Hồ Chí Minh, Cường đánh bạo đặt vấn đề muốn cống hiến một chương trình làm dép cho Bảo tàng. Anh tìm được một nghệ nhân về hưu non, trả lương tháng cho bác ấy để ngày ngày bác ngồi ở Bảo tàng làm dép cho khách tham quan. Một thời gian sau, Cường được phép bán dép cao su trong Bảo tàng. Tình trạng ế tiếp diễn. Tuần cuối cùng của hạn định làm dép anh quyết định đổi mẫu theo như góp ý của một số khách. Dép nhẹ đi, thời trang hơn. Lập tức bán được mươi mười lăm đôi. Có tín hiệu tốt, anh Cường xin Bảo tàng cho ra ngoài góc sân mở cửa hàng dép và được phê duyệt.

Không tặng dép, kể cả cho VIP

Khách đông, "Vua dép lốp" phải mở rộng sản xuất. Câu chuyện tìm thợ của Cường phò mã cũng gian nan. Anh đi khắp bến tàu bến xe nghe ngóng tìm hiểu xem ở đâu có người làm dép cao su giỏi. Nghề làm dép, nếu không có mười năm tập luyện thì vẫn chỉ là tay mơ. Thuyết phục thợ đồng ý làm rất khó, vì họ không quen làm hàng tuyển, số lượng lại ít. Hiện nay “Vua dép lốp” có khoảng ba chục người thợ lành nghề rải rác ở các tỉnh thành, thu nhập bình quân gần chục triệu một người mỗi tháng.

Khách VIP của thương hiệu này rất đông. Có các đại sứ Anh, Pháp, Mỹ, Nhật... có người nổi tiếng như Giáo sư Ngô Bảo Châu, có doanh nhân như Đặng Lê Nguyên Vũ, Nguyễn Thành Nam (FPT), có các nghệ sĩ như Chí Trung, Công Lý,... Không ai trong số họ được tặng dép, tất cả đều phải tự bỏ tiền mua, đây là nguyên tắc của anh Cường. 

https://www.tienphong.vn/kinh-te/cuong-pho-ma-hoi-sinh-dep-cao-su-1474455.tpo

zalo chat 0989.530.530 zalo chat 0989.22.34.22
popup

Số lượng:

Tổng tiền: