Chàng kỹ sư bỏ việc, theo nghề làm dép lốp cao su

Đăng bởi Nu Online
Thứ Wed,
08/12/2021

Đôi dép cao su (dép lốp) đã gắn bó với những người lính trong suốt hai cuộc kháng chiến, đi cả vào những tác phẩm thi ca...

Và hiện tại, đôi dép ấy đang được làm "sống lại", không chỉ với ý nghĩa là một hành trang không thể thiếu mà còn mong muốn nó trở thành một di sản.

Sự ra đời của dép lốp

Cho đến nay, nhiều người vẫn cho rằng cố Đại tá Hà Văn Lâu (Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) là tác giả của đôi dép lốp đặc biệt. Nhưng đã có lần, ông thừa nhận ý tưởng đó được mình học hỏi từ phương pháp của những người phu xe, khi họ dùng mo cau hay vỏ bánh xe kéo hỏng để tạo nên những đôi dép.

Sau khi ra đời, với đặc tính dễ làm, tận dụng được cao su từ lốp xe nên giá thành rẻ, phù hợp với điều kiện kinh tế thời điểm đó và đặc biệt có thể sử dụng trong mọi địa hình, thời tiết nên dép lốp được nhiều người sử dụng. Trời nắng thì thoáng mát, trời mưa thì không lo ướt chân, lại cực thuận tiện trong việc vệ sinh, dép lốp đã trở thành một thứ không thể thiếu, trở thành biểu tượng của những người lính cụ Hồ lúc bấy giờ.

Chàng kỹ sư bỏ việc, theo nghề làm dép lốp cao su
Anh Nguyễn Tiến Cường và thương hiệu "Vua dép lốp".

Sau khi đất nước phát triển ngày một giàu đẹp, những đôi dép lốp làm từ cao su bị thay thế bởi những sản phẩm thời trang, đẹp hơn, nhiều mẫu mã hơn. Đôi dép lốp tưởng rằng chỉ có thể nhìn thấy trên ảnh hay trong bảo tàng như một vật lưu niệm vang bóng một thời.

Với sự mai một ấy, nghệ nhân Phạm Quang Xuân (SN 1942) còn được báo chí nhắc tới như là "nghệ nhân làm dép lốp cuối cùng của Hà Nội". Được biết, ông Xuân bắt đầu làm dép lốp từ những năm 1965 tại Xí nghiệp Bách Hóa cấp 2 (45 Hàng Bồ, Hà Nội). Ngày đó, việc sản xuất dép lốp được làm theo dây chuyền: tổ phá lốp, tổ khoanh dép, tổ làm quai, tổ rút quai... Mỗi ngày xưởng sản xuất được tầm 300-400 đôi, cứ làm xong là hết.

Qua thời kỳ thoái trào, tưởng chừng người nghệ nhân này đã bỏ nghề, nhưng đến năm 1999, ông Xuân lại quay trở lại làm dép lốp. Những sản phẩm làm ra chỉ để đi trong gia đình và tặng bạn bè và những người thực sự yêu thích với một kỉ vật của lịch sử.

Chàng "phò mã" dép lốp

Trong thời gian vài năm trở lại đây, đôi dép huyền thoại này bắt đầu "hồi sinh" khi không chỉ khách trong nước mà rất nhiều khách nước ngoài cũng tìm hiểu và muốn mua dép. Ông Xuân và thương hiệu được nhiều người đặt cho đó là "Vua dép lốp" đã được nhiều người biết đến. Cách đây vài năm, ông Xuân còn có màn trình diễn làm lại đôi dép cao su của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước sự chứng kiến của đông đảo du khách tham quan.

Chàng kỹ sư bỏ việc, theo nghề làm dép lốp cao su
Nhiều khách Việt cũng yêu thích dép lốp.

Nhưng hành trình để đưa đôi dép lốp huyền thoại ra thế giới, đến tay du khách nước ngoài và xây dựng thương hiệu "Vua dép lốp" Phạm Quang Xuân cũng không phải là một chuyện đơn giản. Hành trình kéo dài nhiều năm ấy cũng có sự xuất hiện và trợ giúp của "phò mã" Nguyễn Tiến Cường - con rể ông Xuân, người đang dần mở rộng sản xuất và xây dựng hình ảnh của dép lốp ngày một quy mô và chuyên nghiệp hơn.

Nói về chàng rể này của "Vua dép lốp", hẳn ai cũng ngỡ ngàng khi được biết, anh từng là chủ chốt của… một công ty phần mềm kế toán. Sau 12 năm gắn bó, anh Cường đã nhượng lại cổ phần khi công ty đang ăn nên làm ra để đi theo tiếng gọi của dép lốp, tiếng gọi của lịch sử.

Năm 2011, khi đôi dép huyền thoại dần trở lại, anh Cường mới bắt đầu tò mò về cách tạo ra đôi dép lốp của bố vợ. "Tôi lân la hỏi ông về cách làm, về lịch sử dép lốp, càng nghe ông nói, càng thấy thú vị và ý nghĩa", anh Cường kể.

Ngoài việc gắn bó với những người lính Cụ Hồ, những giá trị lịch sử thì đôi dép còn thu hút anh Cường bởi việc nó được làm từ những vật liệu tái chế. Bị cuốn hút, mê hoặc với những đôi dép làm từ lốp xe, nhưng để kế thừa và bảo tồn một di sản của lịch sự đối với anh Cường cũng không dễ dàng, bởi khi bắt đầu, ông "Vua dép lốp" đã ở tuổi 72. Thêm vào đó, mỗi khi đề nghị được truyền nghề để có thể gìn giữ đôi dép lốp thì ông Xuân lại gạt đi có lẽ vì khi đó, anh Cường đang có một công việc tốt hơn.

Điều đó không làm nản chí chàng rể muốn gìn giữ một phần của lịch sử. Để học nghề, anh Cường thường xuyên tới nhà bố vợ trên phố Nguyễn Biểu phụ việc vặt. Mặt khác, anh còn viết một bức tâm thư nhờ vợ chuyển đến tay nhạc phụ để ông hiểu hơn tấm lòng của mình. Sau một thời gian không từ bỏ quyết tâm, ông Xuân cũng hiểu và chiều theo ý của con rể, nhưng ông dạy chỉ cốt để anh Cường hiểu được những khó khăn của cái nghề đặc biệt này.

Nhiều năm theo bố vợ học nghề, anh Cường vẫn "chân trong chân ngoài", vừa đảm nhận vai trò của một kỹ sư công nghệ thông tin, vừa đi tìm những người có cùng sở thích để cùng ông "Vua dép lốp" đào tạo ra lứa thợ trẻ kế cận.

Hồi sinh và vươn tầm thế giới

Với sự góp sức của anh Cường, năm 2014, nghệ nhân Phạm Quang Xuân đã mở cơ sở sản xuất dép cao su của riêng mình với thương hiệu được nhiều người yêu mến đặt cho, đó là "Vua dép lốp". Khi đó ông Xuân đã bước sang tuổi 75.

Chàng kỹ sư bỏ việc, theo nghề làm dép lốp cao su
Quá trình làm một sản phẩm

Có xưởng, có thương hiệu và tìm được những người thợ kế cận, nhưng cũng giống như biết bao người làm kinh doanh sản phẩm khác, việc tìm nguồn tiêu thụ cũng là một khó khăn đối với Cường "phò mã".

Đã có một quãng thời gian, sản phẩm làm ra không tìm được nơi tiêu thụ, áp lực đó cùng với lời đánh giá của xã hội khi anh từ bỏ công việc hái ra tiền để đi làm dép lốp đã gây cho anh một áp lực vô cùng lớn. Nhưng nhìn những đôi dép nằm đó, nghĩ về lịch sử quật cường mà đôi dép này đã cùng trải qua, anh Cường đã cố gắng không từ bỏ.

Làm thế nào để người ta tự tìm đến với dép lốp? Câu hỏi được đặt ra để giúp anh Cường đi tìm lời giải, đó là không đóng đinh với những mẫu mã, hình ảnh mang tính truyền thống mà anh đã sáng tạo ra nhiều mẫu mới. Vẫn làm thủ công nhưng đa dạng mẫu mã, đó là cách để hạn chế được nhược điểm của dép truyền thống và cho người mua nhiều sự lựa chọn hơn.

Thay vì chỉ một màu đen nhàm chán, quai dép được nhuộm màu đỏ, màu cam nổi bật. Đế dép cũng không hoàn toàn đặc cao su để giảm trọng lượng và đặc biệt là sản phẩm vẫn sản xuất hoàn toàn thủ công, nhưng yêu cầu khi đến tay khách hàng phải đẹp như… làm máy thì mới được gọi là đạt yêu cầu.

Hơn 40 người thợ đã lành nghề, sản xuất vạn đôi như một, mỗi người thợ đều tự chế cho mình một bộ dụng cụ riêng, từ dao lớn phá lốp, xén đế, đục, rút, dũi… đến dụng cụ chạm trổ trang trí nhỏ xíu như cây tăm. Nhờ thế, khách hàng của gã dần rộng hơn.

Sản phẩm đã đặc biệt, sự sáng tạo trong quảng bá sản phẩm của thương hiệu "Vua dép lốp" cũng đặc biệt không kém. Anh Cường đã tới thăm đại tá La Văn Cầu, nghe ông kể những ký ức hào hùng của người lính cũng như những kỷ niệm gắn với đôi dép cao su huyền thoại của anh bộ đội Cụ Hồ. Sau ngày hôm ấy, với tình cảm của mình, anh Cường đã mang đến tặng vị Đại tá một món quà, là đôi dép cao su có tên "Huyền thoại" do chính tay mình tự làm.

Thậm chí, anh Cường còn bỏ tiền đầu tư làm phim lịch sử gắn với câu chuyện dép cao su, quy trình làm dép rồi tổ chức cho du khách xem. Mỗi dịp đặc biệt, anh lại cùng ông "Vua dép lốp" Phạm Quang Xuân ngồi "trình diễn" cả kỹ thuật và nghệ thuật làm dép lốp trước đông đảo du khách.

Xác định thị trường quan trọng là nước ngoài, anh Cường cho rằng nếu bán được cho những khách hàng khó tính như Nhật, Trung Quốc… thì số lượng tiêu thụ rất lớn. Khi đó, với khách hàng trong nước sẽ không cần phải quảng cáo, người Việt sẽ tự tìm đến với những sản phẩm huyền thoại, gắn liền với lịch sử nước nhà.

Đi qua những năm tháng hàng làm ra không tiêu thụ được, giờ đây, trên 30 mẫu dép lốp thủ công "made in Vietnam" đã có mặt ở hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ một số mẫu dép truyền thống, đến nay thương hiệu "Vua dép lốp" đã cho ra đời hơn 30 mẫu dép vừa giữ được truyền thống, vừa bắt kịp đời sống hiện đại và có chỗ đứng riêng trên thị trường.

(Theo Cảnh sát Toàn cầu)

zalo chat 0989.530.530 zalo chat 0989.22.34.22
popup

Số lượng:

Tổng tiền: